Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc

Cơ hội giao thương - Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn của nông thủy sản Việt Nam. Việc cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng mở cửa thời gian qua là tin vui cho doanh nghiệp và các cơ quan hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường có sức tiêu thụ lớn này.

Ngày 8/3/2023, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)”. Diễn đàn có sự tham dự của các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, nhằm trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm; nhu cầu giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn. 

Trung Quốc – thị trường xuất khẩu quan trọng của nông thủy sản Việt

Tại diễn đàn, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành nông nghiệp. Một số mặt hàng thế mạnh, có truyền thống được Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là: gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt điều. Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu mạnh rau quả, phân bón các loại và gỗ. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc tháng 1/2023 đạt 3,87 tỷ USD, giảm 0,96% so cùng kỳ năm trước.

Đồng tình với ý kiển của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, bà Trần Thị Bích Ngọc- Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, là thị trường XK lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường XK lớn thứ ba đối với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản.

Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc; nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu.

Thông tin về thương mại sản phẩm sắn giữa Việt Nam – Trung Quốc, ông Nghiêm Minh Tiến- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sắn Việt Nam cho hay, hằng năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 3 triệu tấn mặt hàng tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, trong đó khoảng 40% xuất khẩu chính ngạch, 60% xuất khẩu theo tiểu ngạch. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,2 triệu tấn tinh bột sắn, kim ngạch đạt khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai khoảng 1,8 triệu tấn.

Chia sẻ về thương mại thủy sản Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giai đoạn 2018 – 2022, thương mại thủy sản Việt Nam – Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất. Từ vị trí số ba, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

“7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỉ lệ 24% khối lượng và 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu” – ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.

Tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất. Đầm nuôi tôm tại Bà Rịa- Vũng Tàu.  

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và đã được cơ quan quản lý giải đáp cụ thể.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc đã thực hiện đăng kí theo Lệnh 248, nhưng phía Trung Quốc có sự thay đổi cách thức đăng ký trên hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc, khiến cho thời gian đăng kí và phê duyệt mã số của doanh nghiệp bị chậm trễ. Còn doanh nghiệp sản xuất nước mắm tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cho biết, đang gặp khó khăn về HS code khi đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc.

Là công ty đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới, ông Trần Văn Út- Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến cho biết, hiện phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch thủy sản sống tại Đông Hưng, mà chỉ cho nhập khẩu tại cặp chợ Móng Cái – Đông Hưng dưới hình thức xuất khẩu cư dân biên giới. Do vậy, công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan Thuế.

“Doanh nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được. Đề nghị các bộ ngành có chính sách đặc thù cho doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống”, – ông Trần Văn Út kiến nghị.

Để việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thuận tiện và giảm thiểu rủi ro, chi phí của doanh nghiệp hai nước, ông Nghiêm Minh Tiến đưa ra kiến nghị: “Đối với chính sách biên mậu cần được ổn định. Chúng ta không nên thay đổi quá nhiều. Nếu có thay đổi cùng cần thời gian điều chỉnh hợp lý để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, tránh việc thay đổi đột ngột gây tổn thất lớn tới việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Đồng thời, ông Tiến cho rằng, mẫu mã bao bì, thông tin sản phẩm cần được thống nhất theo thông lệ quốc tế hoặc theo quy định của nước sở tại, tránh mỗi địa phương, mỗi cửa khẩu có quy định, thông tin khác nhau dẫn đến khó khăn trong tổ chức sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, hải quan hai nước cần có sự thống nhất trong quy định về trọng tải phương tiện, phương thức giao nhận, tránh để tăng chi phí bán hàng của các bên.

Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là thủy sản tươi sống, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký VASEP đề xuất, phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa doanh nghiệp với địa phương Trung Quốc. “Đồng thời, chúng ta cũng cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.

Nêu vấn đề nông thủy sản Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh mạnh từ Thái Lan, Malaysia, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu, Trung Quốc) cho biết: Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.

Sunwah đề xuất Bộ NN&PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp Trung Quốc phối hợp với doanh nghiệp đóng gói Việt Nam trong khâu bảo quản làm lạnh, vận chuyển, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng,…

Phó Ban quản lý thương mại và cửa khẩu Đông Hưng – ông Hoàng Vệ thông tin, năm 2023, chúng tôi sẽ xây dựng các cơ sở kiểm dịch động, thực vật, động vật thủy sinh, thủy hải sản tại cửa khẩu. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với TP. Móng Cái xây dựng Phòng Kiểm nghiệm tại Km3+4.

Chủ trì Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng mở cửa thời gian qua là tin vui cho doanh nghiệp và cơ quan hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Gần đây, các doanh nghiệp hai nước đã tập trung ở cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng để tìm bạn hàng vì đây là cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản của cả Việt Nam và Trung Quốc.

Việc Bộ NN&PTNT và Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)” là cơ hội để cơ quan 2 bên thấy được tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhanh các thủ tục, tạo điều kiện giao thương, mua bán cho các doanh nghiệp tại cửa khẩu Móng Cái”.

Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây nhằm sớm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc thương thảo trực tiếp với nhau, để đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp, xây dựng các chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc- Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Theo VietQ.vn

Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc (vietq.vn)

(Visited 15 times, 1 visits today)