Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường

Cơ hội giao thương - Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung, điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ; đề nghị các nhà máy lọc dầu tăng lượng sản xuất để cung ứng cho thị trường...

Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Chi phí tăng cao, doanh nghiệp kinh doanh lỗ

Thẳng thắn nêu những khó khăn của doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, theo Nghị định 95, trong kết cấu về tính giá cơ sở có việc tách bạch khá kỹ phần nhập khẩu từ nước ngoài và kết cấu với các mặt hàng trong nước.

Tuy nhiên, do giá thế giới có nhiều biến động, thay đổi lớn, liên tục trong năm 2022, nên đến thời điểm hiện tại hầu hết doanh nghiệp kinh doanh lỗ. Do lỗ triền miên, tâm lý của doanh nghiệp đảm bảo nguồn ở mức chỉ đủ hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng.

Bộ Công Thương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Đại diện doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, bà Phạm Thị Băng Trang- Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ chia sẻ, thời gian qua, các doanh nghiệp đầu mối đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, các cây xăng đóng cửa có nhiều nguyên nhân, trong đó không phải chỉ có nguyên nhân do thiếu hụt xăng dầu mà còn do một số cây xăng đã đóng cửa từ trước hoặc không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nên không được cấp lại giấy phép.

Bà Trần Thị Tuyết Mai- Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà chia sẻ thêm, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được.

“2 Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý 1/2022, chi phí là 306 đồng/lít, quý 2 là 450 đồng/lít; quý 3 là 967 đồng/lít, tức là bình quân doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý 4/2022, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?”- bà Mai nêu rõ.

Ông Phạm Văn Thoại- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái- Saigon Petro chia sẻ thêm, hiện mức premium nước ngoài về và chi phí đưa hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam quá cao, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

“Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi. Đến tháng 10/2022, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng”- ông Phạm Văn Thoại nêu rõ.

Doanh nghiệp kiến nghị rà soát lại chi phí

Dù khó khăn như vậy nhưng các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên- Phó Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, ngoài quý I/2022 có một số diễn biến bất thường, sản lượng bị hụt so với phần cam kết các đầu mối. Song Quý II, III nhà máy đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quý III lượng xăng đã vượt so với ký kết. Quý IV/2022, sản lượng của nhà máy cam kết sản xuất đều vượt mức so với thời gian trước đây. “Với sản lượng này đảm bảo cung cấp sản lượng đã cam kết với hợp đồng thương nhân đầu mối”- ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên nói.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Dương- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho hay, trung bình 9 tháng nhà máy sản xuất vượt kế hoạch 106%. Hiện tại, nhà máy đã sản xuất 5,4 triệu, đáp ứng 83% kế hoạch. Nhà máy cũng cam kết đảm bảo cung cấp tối đa nguồn cung trong nước.

Để tháo gỡ khó khăn cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng cần phải rà soát lại chi phí.

Phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng kiến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí. Đối với định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường.

“Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014, nhưng đến bây giờ, các chi phí khác như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Do vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI” –  ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh đề nghị.

Cũng liên quan đến chi phí, ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho hay, chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn liên Bộ Công Thương – Tài chính có phương án tháo gỡ. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, ông cũng đề nghị các Bộ cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để có căn cứ điều hành.

Ông Nguyễn Đăng Trình cũng kiến nghị Liên Bộ Công Thương – Tài chính về công thức tính giá cơ sở. Cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng.

Không chỉ rà soát lại chi phí, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng đề nghị cần xem xét lại cho đúng việc định giá. Với việc định giá như thế này, vô hình chung, đây vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Nghị định quy định doanh nghiệp chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.

Ông Bùi Ngọc Bảo đề nghị Bộ Tài chính rà soát tất cả chi phí, cùng Liên Bộ Công Thương – Tài chính đưa ra báo cáo đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Truyền- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc kinh doanh xăng dầu nằm trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014, Bộ Tài chính có vai trò phối hợp cùng Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu. Về nguyên tắc, xăng dầu không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá mà vận hành theo cơ chế thị trường, do doanh nghiệp quyết định nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Trong cơ cấu giá cơ sở, giá thế giới chiếm 60%, giá này phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nào dự báo, dự đoán giỏi, mua vào thời điểm giá phù hợp thì sẽ có lợi nhuận nhất định.

Về chi phí, theo quy định hiện hành, tại mỗi kỳ điều hành, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá phù hợp nhất, cân đối lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Đối với chi phí định mức đưa xăng dầu từ nước ngoài về, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính thông báo 2 lần vào ngày 10/1 và ngày 10/7. Trong thời gian qua, từ khi Nghị định 95 ra đời, Bộ Tài chính có thông báo, điều chỉnh đúng thực tế. Tuy nhiên từ ngày 10/7 đến nay, thị trường xăng dầu diễn biến quá bất thường, dẫn đến chi phí thay đổi, không đáp ứng được thực tế, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng và premium trong nước vừa được điều chỉnh ngày 11/10/2022.

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số chính sách nhất định, như giảm thuế từ ngày 1/4 và giảm thuế môi trường từ ngày 1/7/2022. Và trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/10, Bộ Tài chính cũng rà soát căn cứ con số thực tế của doanh nghiệp. Với chi phí kinh doanh, một năm điều chỉnh 1 lần. Bộ Tài chính đã có thông báo điều chỉnh từ ngày 4/6 và áp dụng luôn từ ngày 1/7/2022. Trên con số rà soát thực tế của các công ty kinh doanh lớn – chiếm đến 70% thị phần, có hệ thống phân phối rộng, thì chi phí tính đủ, đảm bảo.

“Tuy nhiên trên thực tế có phát sinh thêm như tiền thuê đất, nhân công,… vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Vụ Thị trường trong nước nghiên cứu những đề xuất và thời hạn điều chỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp”- ông Nguyễn Văn Truyền nhấn mạnh.

Liên quan đến việc nhập khẩu xăng dầu, ông Nguyễn Văn Truyền cho biết, do nhập khẩu xăng dầu khó khăn, Bộ Tài chính cũng có chỉ đạo quyết liệt về việc nhập khẩu xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất trong giải quyết thủ tục nhập khẩu xăng dầu. Đối với thuế, Bộ Tài chính sẽ có phương án, chuẩn bị sẵn trong trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường khác để có sự chủ động hơn.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu.

Vì vậy, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có việc phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cũng như nước ngoài, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường…”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo VietQ.vn

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường (vietq.vn)

(Visited 11 times, 1 visits today)