Trụ đỡ của nền kinh tế, niềm tự hào của Việt Nam
Năm 2024, ngành nông nghiệp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp trước những khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất thường” của thực tiễn, sản xuất, kinh doanh đã đạt các mục tiêu phát triển. Ngành kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão Yagi để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Nông nghiệp đa tầng giá trị là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp
Nhờ đó, nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2024 khoảng 3,3%, cao hơn mức Chính phủ giao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Như vậy, trong năm 2024, ngành nông nghiệp đã lập kỷ lục mới cả về tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại, chiếm khoảng 72% thặng dư thương mại toàn nền kinh tế. Ngành đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, tập trung khai thác hiệu quả việc xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU; phát triển thị trường mới Halal, châu Phi…
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng trước những nỗ lực không ngừng của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2024. Thủ tướng khẳng định, ngành nông nghiệp đã bảo đảm lương thực thực phẩm, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, trong đối ngoại cả song phương và đa phương, nông nghiệp là một trong những ngành thế mạnh hàng đầu để Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế, đóng góp trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, cũng là niềm tự hào của Việt Nam về tăng trưởng và phát triển. Trong đối ngoại cấp cao, các nước đều bày tỏ ngưỡng mộ với sự phát triển của ngành nông nghiệp của Việt Nam, và mong Việt Nam tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu để bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Phát triển đa tầng giá trị ngành nông nghiệp
Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, hướng tới phát triển bền vững ngành nông nghiệp, song song với mục tiêu cải thiện năng suất, sản lượng, ngành nông nghiệp cần phát triển tích hợp đa giá trị- mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với chế biến sâu, du lịch và bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp đa tầng giá trị là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tích hợp đa giá trị sẽ tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, thay cho thực trạng tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Lấy ví dụ từ ngành lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT chia sẻ, trong ngành lâm nghiệp, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên với tính đa dụng của nó. Cùng với giá trị từ cây gỗ, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, những loài thảo mộc tự nhiên, dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao, là nơi trải nghiệm cảnh quang thiên nhiên, đồng thời là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí carbon, giúp giảm phát thải khí nhà kính, cân bằng hệ sinh thái… “Khi tích hợp các giá trị, lợi ích mà rừng mang lại sẽ là cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Cùng với đó, phải phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu, để mang đến những giá trị mới cho những điều vốn tưởng chừng không có nhiều giá trị. Chẳng hạn như với cây lúa, ngoài hạt lúa thì còn vỏ trấu, thân cây rơm rạ,… có thể dùng để trồng nấm, hoặc tạo viên nén làm điện năng, rồi cuối cùng trở thành chế phẩm sinh học bón cho cây tươi tốt…
Cà phê cũng vậy. Hiện chúng ta mới sử dụng được 2% giá trị từ cây cà phê- đó là hạt cà phê, còn bã cà phê, thân cây đang bị bỏ phí. Đối với tư duy mới của kinh tế tuần hoàn, cần phải khai thác 98% bỏ đi. Tại Trung Quốc, bã cà phê được sử dụng làm giá thể trồng nấm. Sau khi thu hoạch nấm xong, lấy phần bỏ đi của nấm chế biến thức ăn chăn nuôi, còn những thứ không sản xuất được nữa thì thành phân bón cho cây trồng…
“Phát triển kinh tế tuần hoàn vừa tạo ra được nhiều dòng sản phẩm từ những thứ tưởng như bỏ đi, lại không phải tốn công xử lý rác để bảo vệ môi trường. Những phụ phẩm nông nghiệp không còn bị lãng phí, mà được làm mới giá trị, trở thành một sản phẩm hiện diện trong vòng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, năm 2024, phấn đấu đạt được mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD như Thủ tướng giao, Bộ NNPTNT sẽ kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/tich-hop-da-gia-tri—phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-d230146.html