Việt Nam đã triển khai 12 Hiệp định FTA
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đến nay, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Thế giới trở nên đa cực hơn, chủ nghĩa dân tộc trở nên mạnh mẽ và có lúc cực đoan hơn và trong thương mại quốc tế, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực, thậm chí ngay tại những quốc gia có truyền thống ủng hộ tự do hóa thương mại.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam thuộc nhóm nước vẫn kiên định thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mà kết quả rõ rệt nhất là việc gia nhập, ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 02 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Việt Nam đã triển khai 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm FTA nội khối giữa 10 nước ASEAN; 7 Hiệp định FTA cùng ASEAN ký kết với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hồng Kông; 4 Hiệp định FTA song phương với Nhật Bản, Chi lê, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu; và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cũng theo Bộ Công Thương, trong số này, phần lớn hàng hóa của Việt Nam đã được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang ASEAN (trên 95% biểu thuế), Trung Quốc (hơn 90% biểu thuế), Hàn Quốc (hơn 75% biểu thuế). Các nước còn lại vẫn đang tiếp tục cắt giảm thuế theo cam kết. Đây chính là lợi thế mà doanh nghiệp của ta cần tận dụng khi xuất khẩu sang các thị trường này.
Trả lời câu hỏi về những lợi thế gì mà các hiệp định FTA để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các Hiệp định FTA trên sẽ giúp Việt Nam thực hiện chủ trương đa dạng hóa quan hệ kinh tế – thương mại, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể. Đẩy mạnh xuất khẩu cũng sẽ góp phần tạo việc làm, hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
“Việc kết nối thông qua các Hiệp định này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát huy hiệu quả kinh tế theo quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn. Liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp ASEAN, EU, các nước CPTPP… cũng sẽ được hình thành thông qua phân công lao động, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trung gian, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tiến trình này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong khu vực cũng như hướng tới các thị trường phát triển hơn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…”, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Cuối cùng, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc đàm phán thành công và ký kết FTA với các đối tác lớn cũng sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thế và lực mới, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin
Cũng liên quan đến các FTA, ngày 30/6 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán. Đây được coi là sự kiện đi vào lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và EU và mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động ở châu Âu và Việt Nam.
Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, sau 6 năm, quá trình đàm phán EVFTA đã khép lại và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD). Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để khai thác cơ hội XTTM trên thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, Bộ Công Thương cho biết, các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực sẽ đem lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đó, cơ hội là EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản và các mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Thách thức là sự cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ sẽ khốc liệt hơn ngay cả tại thị trường trong nước do đó các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm phẩm hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động XTTM chuyên sâu như nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, để tận dụng hiệu quả các cơ hội mà EVFTA mang lại.
Vì vậy, để công tác xúc tiến thương mại (XTTM) đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ), cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, phát triển thương hiệu…. Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, phải coi đây là mục tiêu hàng đầu. Cùng với việc nâng cao chất lượng là cải thiện năng suất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc phối hợp với tổ chức XTTM xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động XTTM đảm bảo hoạt động XTTM sát thực, khả thi, hiệu quả. Chủ động, quyết tâm, mạnh dạn đầu tư kinh phí cho XTTM trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác xúc tiến thương mại nhằm chuyên nghiệp hóa năng lực thực thi và tối đa hóa hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo VnMedia
(Visited 14 times, 1 visits today)