Người tiêu dùng thay đổi hành vi
Giữa đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nặng nề tới kinh tế – xã hội toàn thế giới cũng như nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam nổi lên là một trong những nước hàng đầu phòng chống dịch hiệu quả và nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 238 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư hơn 4 tỷ USD. Trong khó khăn chồng chất, những con số này đã phản ảnh nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, ngay trong đại dịch, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của thương mại điện tử do dân số trẻ, lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn. Tại Việt Nam, doanh thu từ TMĐT năm 2013 đạt chỉ đạt 2,2 tỷ USD, đến năm 2017 con số này đã tăng lên 6,2 tỷ USD. Số lượng người mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 30,3 triệu người (năm 2015) lên 33,6 triệu người (năm 2017). Riêng năm 2018 được đánh giá là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến, đạt 7,8 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng đạt hơn 30% so với năm 2015.
Người tiêu dùng đã ưa thích mua sắm trực tuyến hơn. Ảnh minh họa |
Khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử khá cao. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực rất ngoạn mục, ví dụ, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Đáng chú ý, theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), dịch COVID-19 nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng ưa thích mua sắm trực tuyến hơn. Trong giai đoạn cao điểm của dịch từ tháng 2 đến tháng 4, đây là kênh duy nhất để tiếp cận tới một số hàng hoá và dịch vụ. Người tiêu dùng cũng hạn chế việc dùng các sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nielsen cho biết, người tiêu dùng Việt Nam theo dõi rất sát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Theo một cuộc khảo sát của VECOM – là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan tới thương mại điện tử, ảnh hưởng của dịch tới cộng đồng doanh nghiệp rất lớn, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, đối với nhóm các doanh nghiệp thương mại điện tử tham gia khảo sát, 67% doanh nghiệp cho biết vẫn giữ nguyên hệ thống vận hành nội bộ. Thậm chí 51% doanh nghiệp còn thể hiện sự lạc quan khi dự kiến sẽ tăng nhân sự sau khi kết thúc giai đoạn cao điểm của dịch.
Cũng theo khảo sát của VECOM, mức độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp tham gia khảo sát trong giai đoạn cao điểm của đại dịch là 14% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh khủng hoảng chung và nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác phải đóng cửa, giải thể hay phá sản.
Theo khảo sát, 87% doanh nghiệp cho biết hiệu quả kinh doanh của họ giảm nhiều so với kế hoạch dự kiến trong giai đoạn cao điểm của dịch từ tháng 2-4 năm 2020. Phần lớn doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giảm khoảng 28% so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đều thể hiện sự lạc quan khi kết thúc đại dịch. Có tới 50% doanh nghiệp nhận định tiềm năng kinh doanh sau khi kết thúc đại dịch sẽ tốt hơn, 32% đánh giá thị trường sẽ xấu hơn.
Người tiêu dùng đã tin tưởng hơn vào mua sắm trực tuyến
Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, có sự khác biệt lớn giữa các ví điện tử và ngân hàng. Đối với số lượng giao dịch, so với cùng kỳ năm 2019, có tới 60% doanh nghiệp chứng kiến sự tăng cao của số giao dịch thanh toán. Nhưng so với tháng 1 và kế hoạch tháng 2-4 năm 2020 thì hầu như toàn bộ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán đều suy giảm đáng kể số lượng giao dịch.
Tuy nhiên, điểm đáng tích cực là thông tin từ những doanh nghiệp có ví điện tử cho biết, giá trị trung bình của mỗi giao dịch tăng đến 50% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy giá trị trung bình của các đơn hàng mua bán trực tuyến đã tăng lên, thể hiện người tiêu dùng đã tin tưởng hơn đối với hình thức mua bán trực tuyến.
Liên quan đến việc doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ, VECOM cho biết, khách hàng chính của nhóm doanh nghiệp này là các doanh nghiệp hay hộ gia đình sản xuất kinh doanh và bán hàng đa kênh. Khảo sát cho thấy phần lớn doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ suy giảm số lượng khách hàng so với cùng kỳ năm 2019 cũng như so với kế hoạch năm 2020.
Mức độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp tham gia khảo sát trong giai đoạn cao điểm của đại dịch là 14% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh khủng hoảng chung và nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác phải đóng cửa, giải thể hay phá sản.
Theo VnMedia