Thánh Gióng thời kinh tế số
Năm 2015 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã nhận định đây là năm cuối cùng của giai đoạn phổ cập, từ năm 2016 thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Giai đoạn này có thể kéo dài từ năm 2016 tới năm 2025. Bước sang năm 2019, theo khảo sát của VECOM, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) cho cả giai đoạn bốn năm 2016 – 2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD.
VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Theo Báo cáo thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company, với quy mô ban đầu là 3 tỷ USD năm 2015 nhưng với tốc độ tăng trưởng trung bình tới 38%, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2019 đã đạt 12 tỷ USD. Báo cáo này dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 – 2025 là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN.
Giá trị tuyệt đối chưa phản ảnh đầy đủ sự năng động và đóng góp của thương mại điện tử đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Vị trí tương đối đo bằng tỷ trọng của thương mại điện tử so với tổng sản phẩm trong nước sẽ cho ta bức tranh sinh động hơn. Sử dụng thông tin về quy mô thương mại điện tử của Báo cáo trên và GDP của IMF cho giai đoạn tới 2025 cho thấy năm 2019 tỷ trọng này của Việt Nam là 4,6%, cao nhất khu vực. Xu hướng tới năm 2025 còn mạnh mẽ hơn với quy mô thương mại điện tử của Việt Nam đạt tới 10% GDP, cao hơn tỷ lệ 7,7% của Indonesia là nước cùng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cho cả giai đoạn ấn tượng nhất.
Thanh toán điện tử lên ngôi
Mặc dù được đánh giá là một trong những quốc gia ứng phó tốt nhất với dịch Covid-19, tuy nhiên Việt Nam vẫn không tránh khỏi sự giảm sút đáng kể của một số ngành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận thấy rằng hiện đang có một xu hướng đầu tư mạnh mẽ từ các nước phương Tây hướng vào khu vực châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu, cụ thể hơn các tập đoàn nước ngoài phát tín hiệu dịch chuyển chuỗi sản xuất. Đây là một “vận hội” lớn của Việt Nam.
Trong báo cáo chi tiết của Bộ Công Thương trong những năm trở lại đây, những người tiêu dùng có thói quen mua sắm trong các siêu thị, trung tâm thương mại có xu hướng chuyển đổi từ việc thanh toán truyền thống thành thanh toán điện tử. Ngành thương mại điện tử phát triển, đồng nghĩa với việc kéo theo sự phát triển của thanh toán điện tử vì hàng hóa, sản phẩm được mua trên các sàn điện tử 90% được thanh toán online thông qua thẻ ngân hàng.
Trong 90 triệu người Việt Nam, số người sử dụng internet chiếm 49%, số người sử dụng internet thông qua thiết bị điện thoại chiếm 34%, chính vì thế Việt Nam được xem như là 1 thị trường béo bở để phát triển thương mại điện tử cũng như thanh toán điện tử.
Theo báo cáo thị trường thanh toán điện tử Landscape 2020, trong riêng năm 2020, các giao dịch qua Internet, điện thoại di động tăng trưởng đến 238% (số liệu được trích từ báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương).
Cũng theo báo cáo thị trường thanh toán điện tử Landscape 2020, thương mại điện tử là một trong những thành tố phát triển nhanh nhất của nền kinh tế số tại Việt Nam. Thậm chí tốc độ tăng trưởng của thị trường được đo lường đạt mức 35% mỗi năm, nhanh hơn thị trường Nhật Bản 2,5 lần. Năm 2020, con số của người mua sắm Việt được dự đoán tăng 52%, nâng tổng doanh thu lên đến 10 tỷ USD.
Lợi ích của việc thanh toán điện tử là hoàn toàn không thể chối bỏ, chính vì thế nó mới có thể phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng vượt bậc đến như vậy. Cách thức mới này đang được quan tâm và trở thành xu hướng được phát triển trên thiết bị di động, với số lượng người sử dụng là 900 triệu, chiếm 1/7 dân số trên thế giới.
Một số hình thức thanh toán điện tử phổ biến
Thanh toán bằng Thẻ ngân hàng
Đây là hình thức thanh toán điện tử đầu tiên và đặc trưng nhất trong thị trường thanh toán điện tử. Với phương thức thanh toán bằng thẻ này, người dùng có thể dễ dàng thanh toán bằng cách cà thẻ tại chỗ hoặc thanh toán online thông qua thẻ khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Thanh toán bằng Cổng thanh toán
Hình thức thanh toán này phần lớn thường xuất hiện ở các trang thương mại điện tử, hình thức hoạt động của thanh toán này rất đơn giản, nó giúp chuyển tiền từ tài khoản người mua thành 1 đơn vị tiền ảo trên Internet nhưng không thay đổi thuộc tính và giá trị tiền. Vì thế người mua hàng vẫn có thể sử dụng tiền đó để mua sắm bình thường.
Thanh toán bằng Ví điện tử
Đây là hình thức thanh toán khá tiện dụng và rất phổ biến trong giới trẻ ngày ngay. Ví điện tử không chỉ được sử dụng trong các trung tâm thương mại lớn, sàn giao dịch điện tử mà còn sử dụng được đối với bất gì nhà hàng, quán ăn/ nước uống, shop đồ bất kỳ nào có ký hợp đồng liên kết với ví điện tử. Điều kiện kiên quyết khi muốn sử dụng ví điện tử là bạn phải có thẻ ngân hàng có liên kết với ví điện tử.
Thanh toán bằng Smartphone
Đây là hình thức thanh toán bằng phương thức chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng này qua tài khoản ngân hàng khác bằng điện thoại di động. Nói đơn giản nghĩa là bạn dùng Mobile Banking/ App của ngân hàng để chuyển khoản hoặc quẹt mã khi thanh toán.
Theo VnMedia