Chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, bà Stefanie Stallmeister – Giám đốc Điều hành Danh mục Dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Logistics là một phần không thể thiếu của chuỗi giá trị, cả trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp logistics thúc đẩy kinh doanh và thương mại, giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm của họ đến với khách hàng. Trong những năm qua, Việt Nam đã cải thiện Chỉ số hoạt động logistics (LPI), từ thứ hạng 53 trong năm 2010 lên 39 vào năm 2018, và xếp hạng cao hơn so với một số nước láng giềng trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Philippines, nhưng xếp sau Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông.
“Việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã tăng thêm động lực để xây dựng một ngành logistics mạnh mẽ và cạnh tranh. Các hiệp định thương mại này có thể đẩy mạnh hoạt động giao thương hơn giữa Việt Nam và các đối tác thương mại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Dòng chảy thương mại cao hơn cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ logistics tốt hơn và cạnh tranh hơn”, bà Stefanie Stallmeister chia sẻ.
Mặc dù Việt Nam đạt được kết quả tích cực theo Chỉ số hoạt động logistics, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực logistics.
Bằng chứng, trong cuộc khảo sát LPI năm 2018, nhiều doanh nghiệp cho biết Việt Nam có mức phí và lệ phí cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ví dụ, 80% người trả lời khảo sát nói rằng Việt Nam có mức phí vận tải đường bộ cao hoặc rất cao so với mức trung bình của khu vực là 40%. Tương tự, 40% người trả lời khảo sát cho biết Việt Nam có phí cảng và sân bay cao hoặc rất cao so với mức trung bình khu vực là 30-35%. Chi phí vận tải đường bộ đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, nơi hầu hết hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ giữa Bắc và Nam.
Việt Nam cũng bị xếp hạng thấp về hiệu quả của cảng biển và xếp thứ 83 trong số 141 quốc gia về hiệu quả dịch vụ cảng biển, và xếp thứ 103 về hiệu quả của dịch vụ vận tải hàng không và chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019.
Vào tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện một cuộc khảo sát mới về các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và nhận thấy những vấn đề về logistics là nguyên nhân quan trọng thứ hai gây ra khó khăn cho chuỗi cung ứng trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, trong đó sự giảm sút về khả năng cung ứng đầu là nguyên nhân quan trọng nhất. May mắn là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam không ghi nhận những thay đổi lớn về thời gian giao hàng, nhưng trong số khoảng 9% doanh nghiệp gặp phải tình trạng này, thời gian giao hàng trong tháng 9 tăng 25% so với năm ngoái.
Doanh nghiệp đang chuyển sang thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng
Đưa ra xu hướng mới ảnh hưởng đến lĩnh vực logistics ở Việt Nam, bà Stefanie Stallmeister chia sẻ, do ảnh hưởng bởi tác động từ đại dịch Covid-19, thương mại điện tử và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số ở Việt Nam đã tăng tốc mạnh. Doanh nghiệp đang chuyển sang thương mại điện tử và các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời kỳ giảm hoạt động và hạn chế di chuyển. Người tiêu dùng cũng đang trở nên quen thuộc hơn với các công cụ kỹ thuật số khi mua hàng hóa và dịch vụ.
Trong một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới vào tháng 6, gần 50% doanh nghiệp cho biết đã tăng cường sử dụng các nền tảng kỹ thuật số như một giải pháp để ứng phó với đại dịch COVID-19. Khi xu hướng thương mại điện tử tăng tốc, nhu cầu về các dịch vụ logistics và giao hàng tận nơi sẽ ngày càng tăng.
Một xu hướng nữa cũng được bà Stefanie Stallmeister đưa ra là, việc sử dụng giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả và cung cấp những dịch vụ mới cho khách hàng. Khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể cung cấp khả năng hiển thị và truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như giao tiếp với khách hàng trực tuyến. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào công nghệ như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, tự động hóa và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, các công nghệ mũi nhọn, như robot, máy bay không người lái và phương tiện tự hành cũng có thể làm tăng hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ logistics.
Theo thống kê đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, dựa vào kết quả Chỉ số Hiệu quả Logistics gần đây nhất xếp Việt Nam ở thứ hạng 39/160 quốc gia theo xếp hạng của ngân hàng thế giới. Đây là thứ hạng tốt nhất mà Việt Nam từng đạt được kêt từ năm 2007 và cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Logistics cũng đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm. Tính đến hết năm 2019, thị trường logistics đã có sự tham gia của khoảng 4000 doanh nghiệp trong nước và nhiều tập đoàn logistics tên tuổi trên toàn cầu.
Theo VnMedia