– Sau một thời gian làm việc tại Thủ đô Hà Nội trong nhiệm kỳ Đại sứ, xin ngài chia sẻ một số cảm nghĩ của mình về cuộc sống nơi đây.
Tôi cảm thấy hết sức may mắn khi được sống và làm việc tại Hà Nội trong thời điểm này, bởi lẽ Hà Nội đang đứng trước những “cơ hội lịch sử” và tràn đầy năng lượng để phát triển bứt phá. Tôi cũng hết sức cảm kích khi nhiều người dân Hà Nội luôn dành tình cảm yêu mến, thân thiện cho đất nước và con người Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc Đại sứ quán Nhật Bản có thể xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là điều hết sức quan trọng.
Tôi mong muốn rằng, Hà Nội với tư cách là Thủ đô và cũng là cửa ngõ của Việt Nam, sẽ trở thành một thành phố hình mẫu của đất nước trong quá trình phát triển.
– Hiện nay, Nhật Bản là nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu, đã và đang đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển của Thủ đô. Nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản cũng đang hiện diện trên địa bàn thành phố. Đại sứ đánh giá thế nào về những chính sách được Hà Nội triển khai nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua.
Hiện nay, Hà Nội đang nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư, thể hiện qua nhiều khía cạnh, trong đó có việc lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp Nhật Bản và giải quyết nhanh chóng các vấn đề. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp Nhật Bản hết sức mong muốn tiếp tục đầu tư vào Hà Nội.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, vì sự phát triển bền vững, Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đến nay, Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với thành phố trong các dự án xây dựng như: Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cầu Nhật Tân… Trong thời gian tới, Nhật Bản mong muốn đóng góp để sớm hiện thực hóa việc xây dựng đường sắt đô thị và việc phát triển khu vực phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.
Mặt khác, cũng phải nói rằng, song song với tốc độ phát triển ấn tượng, Hà Nội đã và đang đối mặt với những vấn đề mới như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, gia tăng phế thải, rác thải nhựa. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Chính phủ Việt Nam và thành phố Hà Nội nhằm giải quyết những thách thức này.
– Xin Đại sứ chia sẻ thêm một số dự định và mong muốn của ngài trong thời gian tới nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt-Nhật, trong đó có Hà Nội và các địa phương của Nhật Bản.
Tôi tán đồng với ý kiến cho rằng Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị tự nhiên. Nhật Bản luôn nhận thức rằng, sự phát triển bền vững của Việt Nam là điều quan trọng đối với sự ổn định và phồn vinh của toàn khu vực Đông Á trong đó có Nhật Bản. Để tăng cường mối quan hệ Nhật – Việt, việc tăng cường giao lưu không chỉ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, mà cả trong lĩnh vực văn hóa, thể thao cũng rất quan trọng.
Năm 2020, Thế vận hội Olympic và Paralympic sẽ diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Tôi kỳ vọng sẽ có sự tham gia của nhiều đội tuyển và vận động viên Việt Nam trong đó có môn bóng đá. Hiện nay có tám thành phố của Nhật Bản đã được công nhận là địa điểm đón tiếp các đội tuyển, vận động viên Việt Nam tham dự Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.
Cùng với hợp tác trên phương diện quốc gia, sự hợp tác giữa các địa phương cũng rất quan trọng. Với sự hợp tác của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các sự kiện liên quan tới Nhật Bản như Lễ hội Hoa Anh Đào Nhật Bản Hà Nội, Giải chạy tiếp sức Kizuna Ekiden, Lễ hội Kanagawa, chương trình Mottainai 2019 đã được tổ chức với quy mô lớn tại thành phố. Ngoài ra, sang năm tới, Giải đua xe công thức Một (F1) sẽ được tổ chức, dự kiến có sự tham gia của đội đua Honda đến từ Nhật Bản.
Cũng từ lâu, Thủ đô Hà Nội đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tỉnh thành tiêu biểu của Nhật Bản như Thủ đô Tokyo, tỉnh Kanagawa, thành phố Yokohama, tỉnh Saitama, tỉnh Fukuoka. Tôi hi vọng rằng, bên cạnh các lĩnh vực như đầu tư và giao lưu nhân dân, các tỉnh thành nói trên có thể đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội.
Theo VnMedia