Thống đốc Lê Minh Hưng: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức kỷ lục

Cơ hội giao thương - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian vừa qua dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng mức kỷ lục, và so với đầu nhiệm kỳ này, dự trữ ngoại tệ đã tăng trên 2,5 lần so với cuối năm 2015.

Thông tin được Thống đốc Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (23/12/2019).

Chia sẻ một trong những kết quả nổi bật của ngành ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2019 được NHNN điều hành rất linh hoạt, chủ động, theo sát và dự báo được những diễn biến phức tạp từ thị trương tiền tệ quốc tế và khu vực để có biện pháp, giải pháp chủ động trong kịch bản điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Theo Thống đốc, điều này thể hiện sự nhất quán trong điều hành cũng như tính chủ động, tăng niềm tin của thị trường cũng như của cộng đồng doanh nghiệp và năng lực thực thi điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Ngân hàng Trung ương. Qua đó, thị trường Việt Nam giữ được ổn định tỷ giá, kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối cung cầu của ngoại tệ và dáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và hỗ trợ cho xuất khẩu.

“Có thể nói trong thời gian vừa qua dự trữ ngoại hối của chúng ta đã tăng mức kỷ lục, và so với đầu nhiệm kỳ này, dự trữ ngoại tệ đã tăng trên 2,5 lần so với cuối năm 2015, đây là một tấm đệm rất lớn cho quốc gia để dự phòng những tác động những yếu tố bất lợi từ bên ngoài tác động vào nền kinh tế của chúng ta”, Thống đốc chia sẻ.

Báo cáo của NHNN cho thấy, tính đến hết ngày 31/10, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên tới 73 tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, dù nhiều áp lực từ diễn biến trên thị trường quốc tế (đồng tiền Trung Quốc giảm giá mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung…), nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Theo VnMedia

(Visited 12 times, 1 visits today)