Thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước CPTPP còn thấp

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, hiện thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) phần lớn còn thấp. Trong đó, cao nhất là tại Nhật Bản (chiếm 2,8%) và thấp nhất là Mexico (chiếm 0,6%).

Bộ Công Thương cho biết, kể từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, tới nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong số 13 FTA đã ký kết và 03 FTA đang đàm phán.

Ngay sau khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP với các nhóm nhiệm vụ cụ thể và lộ trình thực hiện. Cho đến nay, đã có 26 Bộ, ngành và cơ quan cấp trung ương và 62/63 địa phương đã xây dựng Kế hoạch của đơn vị mình và gửi về Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Bộ Công Thương đã tổng hợp và gửi công văn số 696/BCT-ĐB ngày 05 tháng 02 năm 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả một năm triển khai Hiệp định CPTPP).

Việt Nam cũng đã tham gia đầy đủ các phiên họp Hội đồng CPTPP lần thứ 1 tại Nhật Bản từ ngày 19 – 20 tháng 01 năm 2019, lần thứ 2 tại New Zealand từ ngày 07- 09 tháng 10 năm 2019 và lần thứ 3 dưới hình thức trực tuyến do Mexico chủ trì từ ngày 04 – 06 tháng 08 năm 2020.

 

Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong năm 2019

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP năm 2019 đạt gần 34,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2018. Tỷ trọng trong tổng xuất nhập khẩu năm 2019 cũng đạt 14,1% so với con số 12,9% của năm 2018.

Cũng theo Bộ Công Thương, nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Canada và Mexico thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, tương đương 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. Đây cũng chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới (các nước khác trong khối ta đã FTA trước đó nên tác động không rõ ràng bằng). Xuất khẩu sang Canada tăng 29,8%, Mexico tăng 26,3%. Trong 6 nước đối tác, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 8,4%), xếp thứ hai là Canada (1,6%).

Thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Trong đó, cao nhất là tại Nhật Bản (chiếm 2,8%) và thấp nhất là Mexico (chiếm 0,6%). Thị phần hàng Việt Nam tại các thị trường khác lần lượt là: 1,6% tại Australia, 1,3% tại New Zealand, 0,9% tại Singapore và Canada là 0,8%. Do vậy, còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại thị trường các đối tác này.

Trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD. Trong đó, Canada và Mexico là hai thị trường mới có FTA với Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các nước thành viên. Các nước còn lại đã có quan hệ FTA (thậm chí như Nhật Bản đã có hai hiệp định FTA với các nước ASEAN và Việt Nam trước Hiệp định CPTPP) nên doanh nghiệp có thể sử dụng các mẫu C/O trong các FTA khác.

Theo VnMedia

(Visited 64 times, 1 visits today)