Từ các trung tâm học tập cộng đồng…
Đến thăm công trình Trung tâm học tập cộng đồng tại xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang vào những ngày cuối tháng Ba năm 2024, chúng tôi ngạc nhiên thấy khá đông các bạn thanh niên đang tập trung tại đây, có bạn còn địu theo con nhỏ. Các bạn người thì đang học cách sử dụng máy tính, người thì đang đọc sách kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Anh Kiều Minh Thắng- cán bộ của tổ chức Plan International phụ trách Dự án thanh niên khởi nghiệp tại huyện Xín Mần cho biết, Trung tâm học tập cộng đồng này được Plan đầu tư hơn 700 triệu đồng gồm chi phí xây dựng, trang thiết bị, sách, các hạng mục phụ trợ, và sự đóng góp công sức của người dân địa phương.
Trung tâm học tập cộng đồng xã Nàn Ma, huyện Xín Mần được Plan đầu tư hơn 700 triệu đồng
Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm học tập cộng đồng đã trở thành địa điểm học tập của thanh niên trong xã. Trung tâm có hệ thống máy tính kết nối internet. Các bạn trẻ đến đây học về máy tính, cách quảng bá sản phẩm trên mạng internet. Đặc biệt, với số lượng đầu sách khá phong phú, Trung tâm thu hút các bạn trẻ lên đây đọc sách, tìm hiểu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, những kiến thức về giới, hôn nhân gia đình…
Đây cũng là nơi Plan tổ chức các hoạt động tập huấn về sinh kế cho các bạn thanh niên. Các bạn được hướng dẫn làm việc nhóm với nhau, sử dụng máy tính, được tập huấn về kỹ năng xanh, sống xanh, sản xuất tiêu dùng xanh… Các hoạt động này đã giúp thay đổi ý thức của các bạn trẻ nơi đây trong việc thu gom rác thải, phủ xanh đất đai, bảo vệ môi trường sống.
“ Tới đây, Trung tâm học tập cộng đồng này sẽ là nơi trưng bày những sản phẩm của xã, đặc biệt là sản phẩm khởi nghiệp của các bạn trẻ. Trung tâm sẽ trở thành một điểm đến- nơi khách du lịch có thể đến tìm hiểu thông tin về địa phương, đồng thời là nơi kết nối cung cầu, tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương”- anh Kiều Minh Thắng chia sẻ.
Trung tâm học tập cộng đồng là địa điểm học tập của thanh niên trong xã
Những công trình Trung tâm học tập cộng đồng do Plan tài trợ xây dựng tại tỉnh Hà Giang đều đã trở thành nơi sinh hoạt, kết nối, tạo nên một không gian riêng cho các bạn trẻ, giúp thanh niên phát huy được tối đa khả năng của mình, được địa phương đánh giá rất cao- anh Trần Anh Tuấn- cán bộ Plan phụ trách Dự án thanh niên khởi nghiệp huyện Hoàng Su Phì cho biết thêm.
… đến những dự án sinh kế cho thanh niên khởi nghiệp
Đến thăm nhà chị Tráng Thị Ngọc, sinh năm 1994, người dân tộc Nùng ở xã Nàn Ma, huyện Xín Mần- một trong những phụ nữ thành công với dự án chăn nuôi do Plan hỗ trợ, chị Ngọc cho biết, trước kia, chị cũng phải cùng chồng xa quê để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Đợt dịch Covid, chị trở về nhà và quyết định ở lại quê hương lập nghiệp để có thể chăm sóc được các con.
Đang loay hoay không biết làm gì, thì chị được xã thông báo có dự án của Plan hỗ trợ chăn nuôi dê. Thế là chị Ngọc liền đăng ký tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi. Được dự án của Plan hỗ trợ một con dê cái trị giá hơn 2 triệu đồng, chị đã mày mò, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi dê… Nhờ nỗ lực học hỏi, chị đã phát triển thành công đàn dê. Chị Ngọc chia sẻ, do được chăm sóc đúng kỹ thuật, từ một con dê cái ban đầu Dự án hỗ trợ, đến nay, chị đã nuôi được 3 lứa dê, đàn dê của chị đã lên đến 8 con dê, trong đó, vài con đang tiếp tục chuẩn bị đẻ.
Đến nay, từ một con giống ban đầu, đàn dê của chị Tráng Thị Ngọc đã phát triển lên 8 con
Chị Ngọc cho biết, trước khi nuôi dê, gia đình chị rất khó khăn, hai vợ chồng chị phải đi xa làm phụ nề xây dựng, không chăm sóc được con cái. Thành công trong chăn nuôi dê, chị Ngọc phát triển nuôi thêm lợn nái, đồng thời vẫn tiếp tục trồng ngô, lúa, nhờ vậy, kinh tế gia đình chị càng thêm vững vàng. Cùng với hỗ trợ dê giống, dự án của Plan còn hỗ trợ gia đình chị quần áo, đồ dùng học tập cho các con. Chị còn được tham gia lớp tập huấn về quản lý tài chính gia đình. Chị Ngọc chia sẻ, chị mong muốn phát triển tốt đàn dê, sau này có vốn sẽ đào ao thả cá phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cũng ở xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, anh Giàng Xuân Dùng lại có hướng đi khác. Anh cùng ba người bạn đầu tư sản xuất tinh dầu gừng. Anh Dùng cho biết, ngoài mua gừng của bà con, Dùng cùng các bạn tự bỏ công sức trồng gừng để lấy nguyên liệu, trong khi 100kg gừng chỉ chiết xuất được khoảng 0,5 lít tinh dầu. Hiện tinh dầu gừng cho nhóm của Dùng sản xuất ra mới chỉ chủ yếu phục vụ cho bà con địa phương. Dùng mong muốn được hỗ trợ quảng bá để nhiều nơi trong huyện và tỉnh biết đến sản phẩm tinh dầu gừng, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Tại xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, chúng tôi đến thăm vườn rau của chị Cháng Thị Chẳm người dân tộc Nùng. Chị Chẳm cho biết, nhà chị có mảnh vườn trước bỏ hoang, được Plan hỗ trợ một máy phay nghiền phế phụ phẩm, chế phẩm sinh học và tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, Chẳm đã bắt tay vào trồng rau organic. Chẳm đã đi thu gom những phế liệu, đồ ăn thừa, tận dụng hầu hết các loại rác thải, chất thải và phế phụ phẩm nông nghiệp nghiền ra, rồi dùng chế phẩm sinh học ủ vi sinh cho hoai mục, tơi xốp… để bón cho rau.
Anh Kiều Minh Thắng- tổ chức Plan International phổ biến kỹ thuật trồng rau organic cho chị Cháng Thị Chẳm
Cùng với đó, Chẳm còn nuôi giun quế để giúp cho đất tơi xốp, nhiều mùn hữu cơ. Phải nói là lúc đầu, Chẳm gặp không ít khó khăn do trước đây không hề có chút kiến thức nào về trồng rau organic. Tuy nhiên, vốn là cô gái chăm chỉ, chịu khó mày mò học hỏi, lại được các cán bộ của Plan sát cánh chỉ bảo về kỹ thuật, Chẳm đã thành công.
Từ một khu vườn bỏ hoang cỏ mọc um tùm, giờ đây, khu vườn nhỏ của Chẳm đã xanh mát một màu của những luống rau, điểm vào đó là vài khóm hoa tam giác mạch. Chẳm chia sẻ, chị mong muốn phát triển rộng mô hình trồng rau organic này, lan tỏa đến bà con trong xã. Bởi trồng rau organic không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng, mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ đất và nguồn nước nơi mình sinh sống.
Tại xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi đến thăm Nhóm sản xuất chổi 3S. Chị Vương Thị Rịnh, thành viên của Nhóm chổi 3S cho biết, Nhóm có 20 thành viên là phụ nữ, được thành lập từ năm 2021. Chổi của nhóm được làm từ rơm nếp cao, sau khi người dân thu hoạch xong, phơi khô, nhóm sẽ thu mua, mua rơm khô. Sở dĩ có tên 3S nghĩa là 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Tổ chức Plan đã hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, tập huấn, tổ chức cho chị em đi học tập các mô hình kinh tế, thuê chuyên gia tập huấn maketting cho các chị em trong nhóm làm chổi 3S. Chị Rịnh cho biết, sản phẩm chổi 3S hướng đến tiêu thụ tại các trường học, nhà máy, khu công nghiệp… Hiện sản phẩm chổi 3S được tiêu thụ trong tỉnh Hà Giang, và đã đi đến một số tỉnh khác như Hòa Bình, Bình Dương…
Đến thăm những mô hình khởi nghiệp này, chúng tôi nhận thấy, điểm chung của các bạn trẻ nơi vùng cao này là sự đam mê, nhiệt huyết, muốn được làm việc để thay đổi cuộc sống, thay đổi vùng đất quê hương mình…
Nói về Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Phó Chủ tịch huyện Xín Mần Vũ Thị Hòa cho biết, Tổ chức Plan đã làm việc tại huyện Xín Mần từ năm 2007, với rất nhiều các dự án được triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là các hoạt động về hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh, thiếu niên, hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình sinh kế cho đoàn viên thanh niên và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian tới, huyện Xín Mần sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức Plan hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, mời các chuyên gia lên để chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp; đồng thời triển khai chương trình liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp trọng tâm gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt là nông nghiệp hàng hoá đặc trưng, chất lượng cao- Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn
Thắp lên niềm đam mê khởi nghiệp từ những dự án sinh kế cho thanh niên vùng cao (vietq.vn)