Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ Công Thương thực hiện tái cơ cấu thị trường

Cơ hội giao thương - Bộ Công Thương cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất-nhập khẩu cần rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của Covid-19.

Xuất khẩu chịu tác động mạnh bởi Covid-19

Số liệu báo cáo Quý I/2020 từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%), thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay.

Đây là tình trạng chung của các nền kinh thế trên thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hong Kong giảm 12%; Đài Loan giảm 6,3%; Australia tháng 1/2020 giảm 5,4%, của Malaysia tháng 1/2020 giảm 1,5%…

Trong kết quả trên, khối doanh nghiệp trong nước là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, cao hơn nhiều mức tăng bình quân chung cả nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới
Ngay từ đầu tháng 2/2020, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn do Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc

Đáng chú ý, vào thời điểm đầu tháng 2/2020, khi Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ.

Hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt – Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2. Dù vậy, theo các chuyên gia thương mại vẫn còn khó khăn do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng.

Mặt khác, hoạt động giao thương đang gặp thêm một bất lợi nữa khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lan rộng tại khu vực này.

Sau giai đoạn đầu của Quý I, đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà cho cả các nước khác khi đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.

Vào thời điểm này, khi việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, thì xuất khẩu Việt Nam hiện lại đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng sang các nước châu Âu và Hoa Kỳ.

Vì thế, không ít mặt hàng như: dệt may, da giày, túi xách, máy ảnh, máy quay phim… đều có kim ngạch giảm. Nhóm hàng còn lại là nhiên liệu khoáng sản kim ngạch cũng giảm 15,9%; trong đó, dầu thô giảm 8% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại giảm 30,1%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 50,05 tỷ USD trong Quý I, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 6,6%).

Xuất khẩu chịu tác động mạnh bởi Covid-19
Rau củ, thủy sản, cao su… là những mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19

Tính tới thời điểm hết tháng 3/2020, những mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi Covid-19 là rau quả (kim ngạch giảm 11,5% so với cùng kỳ, cùng kỳ giảm 3%), thủy sản (giảm 11,2%, cùng kỳ tăng 1,5%), cao su (giảm 26,1%, cùng kỳ tăng 15,4%). 

Bên cạnh đó, những mặt hàng có thể chịu tác động trong trung hạn do nhu cầu tiêu thụ giảm như cà phê (giảm 6,4%, cùng kỳ giảm 22,1%), chè các loại giảm 14,9% (cùng kỳ tăng 18,4%); hạt tiêu giảm 17,6% (cùng kỳ giảm 14,3%) do hệ thống các nhà hàng, hoạt động du lịch, giao thông giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu các mặt hàng này. 

Riêng gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kì năm 2019. 

Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong Quý I/2020 giảm 1,9% so với Quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).

Tìm thị trường thay thế, thúc đẩy xuất nhập khẩu

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ có những chuyển tích cực trong thời gian tới. Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đang tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra khó khăn trong thương mại, hạn chế giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn, từ đó đưa ra các dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm và đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, tập trung vào kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020, hướng đến rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của Covid-19.

Xuất khẩu chịu tác động mạnh bởi Covid-19
Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ có những chuyển tích cực trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc

Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” nhằm tăng cường công tác kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.

Mặt khác, để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Xây dựng, triển khai các phương án, lộ trình phù hợp chuyển sang thị trường và sản xuất trong nước hoặc thị trường, nguồn cung từ các đối tác khác để giảm dần vào một thị trường, đối tác.

Ngoài ra, xây dựng kịch bản, dự báo tác động của thương mại nói chung và thương mại quốc tế nói riêng tới sự phát triển, tăng trưởng của kinh tế Việt nam trong năm 2020 để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách và cơ chế điều hành; kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, ngành hàng để chủ động tự xây dựng kế hoạch sử dụng cân đối các nguồn lực vượt qua thời kỳ khó khăn và phục hồi sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

dịch Covid-19
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế, bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của Covid-19

Tiếp tục theo dõi, phân tích, đánh giá quan hệ thương mại của Việt Nam với thị trường Bắc Mỹ và châu Âu trong thời gian vừa qua cũng như trong cả năm 2020 để đưa ra các giải pháp, đối sách và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận và phát triển thị trường xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ chủ động báo cáo Chính phủ về việc sớm trình bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA để Chủ tịch nước ký trình Quốc hội thực hiện thủ tục phê chuẩn vào kỳ họp tới nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2020 để bù đắp cho sự khó khăn của các tháng đầu năm.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 24 times, 1 visits today)