Thanh toán không tiền mặt: Thay đổi mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19

Cơ hội giao thương - Thói quen của người tiêu dùng là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc thúc đẩy thanh to

Thanh toán không dùng tiền mặt: Thói quen thay đổi rất lớn từ đại dịch Covid 19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ TTKDTM, qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch phụ trách phía Nam Hiệp hội Thương Mại điện tử VECOM, cho biết thói quen thanh toán, mua hàng bằng tiền mặt bị Covid-19 làm ảnh hưởng, thay đổi. Nếu trước kia sự chuyển đổi này còn khó khăn thì thông qua mùa dịch việc thay đổi tiến hành nhanh hơn do môi trường bắt buộc.

Theo ông Dũng, khi người dân hạn chế mua sắm tại siêu thị, chợ và tạp hoá. Online là những kênh được lựa chọn thay thế, song song đó là tích cực thanh toán không dùng tiền mặt hơn.

Thống kê trên 4 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam cho thấy lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi dịch diễn ra đã tăng hơn 150% so với cùng kì năm 2019. Mỗi ngày có khoảng 4 triệu lượt lượng truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm. Đồng thời, lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng vọt gấp đôi đầu mùa dịch. Lượng đặt hàng và thanh toán trước qua các ứng dụng (app) cũng tăng dần trong đại dịch Covid-19.

Cũng theo ông Dũng, dịch Covid-19 làm thay đổi hoạt động người dân rất nhiều, đặc biệt là trong du lịch, học hành, giải trí, thu nhập, dẫn tới ảnh hưởng đến lượng khách hàng và khả năng chi tiêu trong tương lai. Người bán hàng nên chuẩn bị sẵn sàng những chương trình kích cầu khi dịch kết thúc.

Ông Dũng nhận định, dịch Covid-19 đã hình thành thói quen mua sắm online và thanh toán online, thanh toán qua app (ứng dụng), và “thói quen ấy sẽ kéo dài sau dịch”. Với thị trường internet giá trị trên 20 tỉ USD, ông Dũng cho rằng trong thời gian sắp tới nếu khuyến khích thanh toán không tiền mặt thì cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được thuế, minh bạch thông tin.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi thói quen người dùng là yếu tố quan trọng bậc nhất thúc đẩy TTKDTM và rất cần được chú trọng.

Ông Phạm Tiến Dũng Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, hiện đại hạ tầng thanh toán; Cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện tích, thân thiện thì việc tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giáo dục tài chính về TTKDTM là yếu tố quan trọng.

Bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết: Đối với việc sử dụng dịch vụ tài chính nói chung và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng việc thay đổi thói quen người sử dụng là một thách thức và trở ngại. Để thay đổi, tạo thành thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, việc cần thiết là các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp để thay đổi nhận thức, hành vi nhằm thay đổi thậm chí hình thành thói quen mới đối với người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.

Đối với truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, trách nhiệm và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông đến công chúng về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật. Đặc biệt, truyền thông minh bạch về phí để người dân yên tâm sử dụng như nguyên tắc quản lý phí sử dụng dịch vụ ngân hàng theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh nên lợi ích, sự lựa chọn thuộc về khách hàng như những dịch vụ miễn phí, giảm phí, khung biểu phí. Thực tế, để khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan đơn vị liên quan cần truyền thông để người sử dụng hiểu rõ tiện ích, an ninh, an toàn và chi phí thấp. Chính những điều đó là yếu tố quan trọng hình thành và thay đổi thói quen cộng đồng.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong đó đặc biệt là các cơ quan báo chí, các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều chương trình truyền thông giáo dục phổ cập các kiến thức tài chính đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt với nội dung đa dạng, phong phú, dễ hiểu hướng tới công chúng và đặc biệt là giới trẻ và học sinh có tính lan tỏa trong cộng đồng như chương trình ‘ Tiền khéo tiền khôn’; “ Những đứa trẻ thông thái”; “Đồng tiền thông thái” và “ Hiểu đúng về tiền”; “ Tư vấn tài chính” ; ‘Ngày thanh toán không dùng tiền mặt” góp phần thúc đẩy TTKDTM và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Nghĩa là người tiêu dùng có thể sử dụng các giấy tờ có giá, tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ để thanh toán, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người tiêu dùng và người bán trực tiếp trao đổi với nhau hiện nay.

Để phát triển TTKDTM, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách hỗ trợ, triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4. Cụ thể, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Mục đích của Quyết định này là đưa ra các giải pháp đồng bộ, giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành chức năng và các địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện TTKDTM, phương thức thanh toán điện tử.

Tiếp đó, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… Tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 như học phí, viện phí, điện, nước, môi trường…

Theo VnMedia

(Visited 11 times, 1 visits today)