Tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU của EC

Cơ hội giao thương - Sau gần 05 năm triển khai thực hiện, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng việc gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn đang gặp nhiều thách thức. Bộ NN&PTNT cho rằng, phải coi việc gỡ thẻ vàng IUU là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, cần tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện.

Tại Cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sáng 20/9/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định: sau gần 5 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng, Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong việc gỡ rào cản này.

Cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) 

Việt Nam bị EC cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác IUU) từ ngày 23/10/2017. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU.

Tại cấp Trung ương, Quốc hội thông qua Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Bộ NN&PTNT ban hành 8 Thông tư. Thủ tướng ban hành 3 Chỉ thị, 3 Công điện, 2 Quyết định. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU được thành lập, hiện do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban.

Về phía địa phương, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU. Nhiều tỉnh, thành phố ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Tuy nhiên, thực tế, việc gỡ cảnh báo thẻ vàng” IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự quan tâm đúng mức cho chống IUU mặc dù khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tiếp tục xảy ra 62 vụ/85 tàu/704 ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở các nước trong khu vực. Tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu.

Công tác điều tra, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm; mức xử phạt chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương; các hành vi vi phạm khai thác IUU về Báo cáo, Nhật ký khai thác; ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới, khai thác sai vùng được phát hiện qua VMS còn rất hạn chế, đặc biệt là xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài rất ít.

Phía EC khẳng định nếu không ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng này sẽ không gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khung pháp lý và cơ chế chính sách về quản lý nghề cá, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cơ bản đã đầy đủ trong giai đoạn vừa qua; tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn một số tồn tại, bất cập cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực thi đầy đủ Luật Thủy sản, quy định của các tổ chức nghề cá khu vực, thế giới và thực hiện cam kết đối với các Hiệp định, Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.

Thực tế, người đứng đầu chính quyền các cấp tại một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến kết quả thực hiện chuyển biến chậm.

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, vì lợi lích kinh tế cá nhân cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Chưa đưa ra xử lý được trường hợp về hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài để răn đe, giáo dục.

Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách đồng bộ.

Để gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo quyết liệt hiệu quả hơn nữa để chống khai thác IUU có kết quả, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách cần tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện.

Từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC sang ngày 19/10/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các bên hành động quyết liệt, tập trung gỡ thẻ vàng IUU. Một trong những nội dung chính được Bộ trưởng lưu ý, là tập trung tháo gỡ theo 4 khuyến nghị của EC, đó là: Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Quản lý tàu trên biển một cách chặt chẽ; Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách đồng bộ; Thực thi pháp luật, xử lý triệt để.

Kết luận cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc gỡ thẻ vàng IUU có ý nghĩa rất quan trọng. Lãnh đạo Chính phủ chỉ rõ, không thể để 62 vụ vi phạm ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu ngư dân, hoạt động xuất nhập khẩu và hình ảnh đất nước.

Để khắc phục, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu 28 tỉnh, thành phố ven biển phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc; chỉ đạo các đơn vị như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tăng cường phối hợp, kiểm soát 24/24 giờ tại các vùng biển giáp ranh, nhất là trong “tháng cao điểm về chống IUU” sắp tới.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” vừa được Thủ tướng ban hành, nhằm phát triển ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu thuỷ hải sản Việt Nam an toàn, bền vững. 

Xuất khẩu thủy sản sang EU chiếm khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. 8 tháng đầu năm 2022, thủy sản Việt Nam xuất EU đạt giá trị hơn 890 triệu USD. Con số này của năm 2021 là hơn 1,2 tỷ USD.

Theo VietQ.vn

Tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU của EC (vietq.vn)

(Visited 12 times, 1 visits today)