Tại buổi tọa đàm khoa học: “Báo cáo tổng quan kinh tế giữ kỳ 2019” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức, Giám đốc NCIF TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6,76%. Tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (7,05%) nhưng vẫn là mức cao so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến 2017.
Theo đó, khu vực công nghiệp & xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 tăng 8,93% (thấp so với mức 9,07% năm 2018), tiếp tục giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn kinh tế khi đóng góp 51,8% vào tốc độ tăng trưởng GDP chung (so với mức đóng góp 48,9% của cùng kỳ năm 2018 và so với mức đóng góp 6% và 42,2% tương ứng của khu vực nông, lâm, thủy sản (NLTS) và khu vực dịch vụ năm 2019).
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá 2,39% (thấp hơn mức 3,93% cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn mức tương ứng 2,36% và -0,18% của năm 2015-2016); Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 6,69%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017 – 2018 (tương ứng 6,89 và 6,9%) nhưng cao hơn so với cùng kỳ các năm từ 2012 đến 2016, nhờ đóng góp đáng kể của nhóm ngành bán buôn, bán lẻ.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%. Ảnh minh họa
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%. Ảnh minh họa
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng nghiên cứu của NCIF cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm như, ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng; xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại nhất là từ thị trường Trung Quốc, trong khi đây là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm lại (ở mức 11,18%, thấp hơn so với 12,87% của cùng kỳ năm 2018), do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại giảm sút. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước tại nhiều địa phương còn chậm. Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu do tác động xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục).
“Trên thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, mặc dù dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018, nhưng dự kiến vẫn đạt mức khá (3,44% trong năm 2019), do kỳ vọng vào tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, cũng như sự ổn định của giá cả hàng hóa thế giới, qua đó tác động tích cực đến Việt Nam” bà Minh cho hay.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể tác động cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam cũng cần quan tâm, như việc phá giá đồng NDT của Trung quốc, đối tác thương mại lớn của Việt Nam; diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hay sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề dầu mỏ.
Trong nước, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách cải thiện môi trường đầu tư, cũng như tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế (nhất là trong điều kiện Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ năm 2019 và Hiệp định EVFTA dự kiến được phê chuẩn nội bộ các bên và chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2019), sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm cũng như cả năm 2019.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,86%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 (6,6 – 6,8%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 dự kiến tăng 3,13% (so với Kế hoạch khoảng 4%).
Theo VnMedia