Hiện nay, việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau: tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể.
Tình hình ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 giảm về số vụ. Tuy nhiên, toàn quốc vẫn ghi nhận 04 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp/khu chế xuất làm 390 người mắc và 7 vụ trong trường học, làm 160 người mắc, không tử vong và dự báo nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể có hiệu quả, Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành Công văn 2547/ATTP-NĐTT tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), trường học.
Theo đó, chỉ đạo triển khai các nội dung sau để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong KCN, KCX, trong các trường học có hiệu quả:
– Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020; hướng dẫn triển khai nghiêm túc Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018.
– Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP đối với bếp ăn tập thể trên địa bàn.
– Phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra việc chấp hành ATTP tại các bếp ăn tập thể trong KCN, khu chế xuất, trường học và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho KCN, KCX, trường học trên địa bàn.
– Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, ban quản lý các KCN, KCX trên địa bàn.
– Các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện và tăng cường việc đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong khám và cấp cứu, xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm.
Theo Tạp chí Công Thương