hời gian qua, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai tại một số địa bàn, tụ điểm vẫn tiếp tục diễn ra, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh phòng chống vi phạm nhưng nhiều địa bàn, tụ điểm nổi cộm, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Thực hiện Quyết định 3972/ĐQ-TCQLTT, trưa 10/7/2020, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) phối hợp cùng Cục QLTT Bắc Ninh và Phòng cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xử lý vi phạm 7 cơ sở tại dốc Baza, phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
7 cơ sở kiểm tra, kiểm soát trong đợt ra quân này bao gồm: Cửa hàng Hạnh Trường – số A7, dãy nhà trắng dốc Baza; Cửa hàng Dũng Hương – ki ốt số 9, dốc Baza; Cửa hàng Lâm Túi – A16 dãy nhà trắng – dốc Baza; Cửa hàng Mai Anh oder – A16 dãy nhà trắng, dốc Baza; Cửa hàng Ngàn Bách Lợi – A16, dãy nhà trắng, dốc Baza; Cửa hàng Hưng Huệ – A16 dãy nhà trắng, dốc Baza và Cửa hàng An Hương – khu Baza.
Trong đợt ra quân kiểm tra này, lực lượng chức năng tập trung vào các hành vi vi phạm như: không có giấy chứng nhận kinh doanh; hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; vi phạm về nhãn hàng hóa; hàng giả mạo các thương hiệu…
Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã kiểm tra và thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm hàng hóa như: quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện… Số lượng hàng hóa kiểm tra hầu hết không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Tiến hành kiểm tra, kiểm soát tại cơ sở An Hương, lực lượng chức năng thu giữ lượng lớn nhãn mác quần áo, túi xách, giày dép giả mạo các thương hiệu lớn như Burberry, Lacoste, Chanel, Gucci…
Tương tự, khi kiểm tra cơ sở Hưng Huệ, Lâm Túi, lực lượng chức năng thu giữ nhiều sản phẩm giày dép, túi xách, quần áo, phụ kiện thời trang có dấu hiệu làm giả, giả mạo các nhãn hiệu nêu trên.
Thông tin ngay tại hiện trường, ông Vũ Mạnh Hải – Quyền Cục trưởng Cục QLTT Bắc Ninh cho biết, thực hiện Quyết định số 3972/ĐQ-TCQLTT về kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020, Cục QLTT Bắc Ninh đã ra quân kiểm tra các địa bàn nổi cộm vi phạm về hàng giả trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực giáp ranh chợ Ninh Hiệp.
Trong lần ra quân này, lực lượng tập trung kiểm tra về nhãn hàng hóa, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; kiểm tra về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
“Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, 7 cửa hàng đều chấp hành Quyết định số 3972/ĐQ-TCQLTT, tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu như: túi xách, ví da, phụ kiện thời trang, thắt lưng, quần, mũ, dép, áo sơ mi, giầy, xăng đan mang nhãn hiệu Burrbery, Lacoste, Nike, Adidas, Gucci, Chanel, LV…
Sau quá trình kiểm đếm, đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 33.488 sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang, giày dép có các dấu hiệu vi phạm nêu trên để xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật”, Quyền Cục trưởng Vũ Mạnh Hải thông tin.
Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT đến hết năm 2020 được đưa ra vào những ngày cuối tháng 11/2019.
Trong Kế hoạch, Tổng cục QLTT đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố.
Các mặt hàng sẽ nằm trong diện đấu tranh, kiểm tra, xử lý là mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn nổi cộm theo danh sách đã công bố.
Với kế hoạch này, Tổng cục QLTT cũng đặt ra mục tiêu cụ thể:
Đến hết tháng 3/2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm; 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm… tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Đến hết tháng 6/2020: 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Đến hết tháng 12/2020: 90% đến 100%số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.
Kế hoạch sẽ được triển khai bắt đầu từ tháng 12/2019 đến hết tháng 12/2020.
Theo Tạp chí Công Thương