Đây là nhận định của ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn: “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 22/3/2023 tại Hà Nội.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện VCCI, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp…
Theo Chủ tịch VCCI, thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những thay đổi “ghê gớm” trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Gần đây, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, ổn định, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ cũng đã sụp đổ.
“Điều này khiến các nhà doanh nghiệp đặt ra câu hỏi phải định vị lại doanh nghiệp của mình như thế nào để tồn tại và phát triển”- ông Phạm Tấn Công nêu vấn đề.
Theo Chủ tịch VCCI, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao, vì thế yêu cầu đặt ra, vị thế trong giai đoạn mới cũng cao hơn nhiều.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Long- Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho rằng, để tái định vị doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của doanh nghiệp. Ông Long cho hay, tái định vị và phát triển bền vững doanh nghiệp không phải vấn đề của riêng Nhà nước hay doanh nghiệp mà phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Bà Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra 4 khó khăn, thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đó là tình trạng suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giày… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn.
Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn thiếu hiểu biết đầy đủ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào thị trường xuất khẩu. Hầu hết hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu do các doanh nghiệp chưa ý thức được đúng tầm quan trọng của tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu hay tiêu chuẩn chất lượng, làm giảm sự cạnh tranh trong ngắn và dài hạn.
Cùng với đó, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn và việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới. Hiện nay, theo thống kê, trình độ, chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm được cải thiện.
Theo bà Minh, để giải quyết các thách thức nêu trên, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương kiến nghị Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Cụ thể, Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua giảm phát thải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Ở khía cạnh hội nhập quốc tế, ông Trịnh Minh Anh- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế cho hay, doanh nghiệp cần đầu tư phát triển dây chuyền sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; gắn với việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu.
Ví dụ để xuất khẩu thành công sang Nhật Bản và tận dụng tốt các ưu đãi theo Hiệp định AJCEP và VJEPA, doanh nghiệp cần lưu ý hàng hóa xuất khẩu bắt buộc phải có giấy chứng nhận việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng của thị trường Nhật. Hoặc hàng dệt may muốn được hưởng ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định CPTPP cần phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Còn quy tắc xuất xứ chủ đạo cho mặt hàng dệt may trong EVFTA là “từ vải trở đi”.
Để nắm bắt cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi; đa dạng kênh tiếp cận vốn, tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua giảm phát thải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Đồng thời, việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn, cũng như duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá cần tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia khẳng định, biến động của kinh tế thế giới tiếp tục tác động đòi hỏi các doanh nghiệp phải tái định vị. Đây không phải là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp để có thể thích ứng và tăng trưởng ổn định, bền vững.
Để nắm bắt cơ hội, tạo ra sức bật trong tương lai, tái định vị doanh nghiệp phải gắn liền với tư duy mới, trong đó phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. “VCCI tiếp tục đề xuất, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”- Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định,
Theo VietQ.vn
Tái định vị doanh nghiệp để thích ứng bối cảnh mới và tăng trưởng bền vững (vietq.vn)