Sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL

Cơ hội giao thương - Lúa gạo là ngành hàng trọng yếu đảm bảo an ninh lương thực và là ngành hàng lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện ngành lúa gạo còn thiếu các vùng chuyên canh quy mô lớn, gây lãng phí và làm phát thải khí nhà kính. Do vậy, việc xây dựng 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải tại vùng ĐBSCL là vô cùng cần thiết nhằm chuyển đổi tư duy sản xuất và phát triển bền vững.

Ngành hàng trọng yếu đảm bảo an ninh lương thực

Tại Hội thảo tham vấn các tổ chức quốc tế và tổ chức tín dụng Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 29/3/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, lúa gạo là ngành hàng trọng yếu đảm bảo an ninh lương thực và là ngành hàng lợi thế của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo góp phần quan trọng nâng cao thu nhập và vị thế của người nông dân, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như trách nhiệm xã hội toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: lúa gạo là ngành hàng trọng yếu đảm bảo an ninh lương thực và là ngành hàng lợi thế 

Việt Nam có diện tích gieo trồng lúa đạt 7,24 triệu ha (năm 2021), đứng thứ 6 trên thế giới, sau Ấn Độ (43,8 triệu ha), Trung Quốc (29,9 triệu ha), Bangladesh (11,5 triệu ha), Indonesia (10,7 triệu ha) và Thái Lan (9,7 triệu ha).

Năng suất lúa bình quân cả nước đạt 6,06 tấn/ha năm 2021. So với các nước trên thế giới, năng suất của Việt Nam cao nhất trong khu vực ASEAN và trong tốp đầu của thế giới.

Sản lượng gạo của Việt Nam hiện nay khoảng 28 triệu tấn, xếp thứ 5 thế giới sau Trung Quốc (146,7 triệu tấn), Ấn Độ (115 trệu tấn), Bangladesh (36,5 triệu tấn) và Indonesia (35,9 triệu tấn); xếp sau Việt Nam là Thái Lan và Myanmar. Trong khoảng 27 – 28 triệu gạo sản xuất hàng năm, phần tiêu thụ nội địa khoảng 21 triệu tấn (bao gồm để ăn, sử dụng trong chăn nuôi và các ngành công nghiệp thực phẩm khác).

Những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất trên thế giới với lượng gạo xuất khẩu từ 6,0 đến 6,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm. Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7,17 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,49 tỷ USD, tăng 6,2% về giá trị so với năm 2021.

Trong những năm qua, ngành lúa gạo Việt Nam không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến, thương mại. Trong khâu sản xuất, lúa gạo cũng đã có những chuyển đổi tích cực theo hướng bền vững hơn, áp dụng quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, các biện pháp tưới khô xen kẽ (AWD), quy trình canh tác lúa bền vững (SRP) hay sản xuất lúa hữu cơ. Khoảng trên 75% diện tích ở các vùng chuyên canh sử dụng lúa chứng nhận.

Sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long

1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay ngành lúa gạo còn thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác giữa người trồng lúa với HTX, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác vẫn còn chưa bền vững, người dân sử dụng đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chưa phù hợp.

Với hệ thống canh tác hiện tại sẽ gây lãng phí và còn làm phát thải khí nhà kính. Theo báo cáo cập nhật gửi Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa chiến 50% trong tổng lượng phát thải của lĩnh vực nông nghiêp.

Chính vì vây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng ĐBSCL”.

Theo đó, vùng chuyên canh sẽ sử dụng giống lúa có chứng nhận, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới; áp dụng quy trình canh tác bền vững, sử dụng ít đầu vào hơn, nhất là phân bón hóa học, thuốc BVTV, giống, nước, công lao động. Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên hơn, ít gây ô nhiễm môi trường hơn và giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính.

Vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết. Các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, được số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Lúa gạo sản xuất vùng chất lượng cao sẽ tạo thu nhập cao hơn cho người trồng lúa đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm; đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng cao hơn do góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bán tín chỉ carbon, tiết kiệm nguồn tài nguyên, xây dựng thương hiệu tạo giá trị cao hơn.

Cùng với đó, hướng đến xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải, cấp chứng nhận cho sản phẩm lúa sinh thái, hay lúa giảm phát thải góp phần nâng cao giá trị thương hiệu.

Nhấn mạnh Đề án này rất có ý nghĩa trong chuyển đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, Đề án cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có thời gian, lộ trình cụ thể và cần có sự đóng góp của các chuyên gia, Viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo.

Tại hội thảo tham vấn Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đại diện các tổ chức quốc tế và tổ chức tín dụng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể cho Bộ NN&PTNT nhằm giúp nâng cao giá trị của sản xuất lúa gạo và góp phần giảm khí thải hiệu ứng nhà kính như cam kết của Việt Nam với thế giới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, những ý kiến đóng góp của các các tổ chức quốc tế và các tổ chức tín dụng sẽ được Bộ NN&PTNT tập hợp để hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai.

Theo VietQ.vn

Sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (vietq.vn)

(Visited 28 times, 1 visits today)