Báo cáo Thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày trước Quốc hội chiều 20/5 cho thấy, Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 như sau:
– Tổng số thu cân đối NSNN là 1.683.045 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư NSĐP năm 2016, và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN và chênh lệch bội thu với bội chi NSĐP để trả nợ gốc 9.521 tỷ đồng).
– Tổng số chi cân đối NSNN là 1.681.414 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018).
– Bội chi NSNN là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 129.073 tỷ đồng).
Quản lý vốn đầu tư chưa nghiêm
Đi vào các vấn đề cụ thể, Báo cáo thẩm tra cho biết, thu NSNN vượt dự toán 6,7% (tương ứng 81.447 tỷ đồng), nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp.
Theo đó, cơ quan thuế, hải quan đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính,hiện đại hóa công tác quản lý thu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; triển khai nhiều giải pháp quản lý sử dụng hóa đơn, kiểm soát kê khai, quyết toán thuế,đôn đốc xử lý nợ thuế, nhất là doanh nghiệp lớn, xử phạt các doanh nghiệp chây ỳ chậm nộp thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá….
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một loạt hạn chế.
Đơn cử như Báo cáo quyết toán NSNN, về cơ bản đã đầy đủ biểu mẫu theo quy định song còn thiếu một số nội dung thuyết minh. Cụ thể, chưa nêu tình hình, số liệu hụt thu của nhiều địa phương, của NSTW và nguyên nhân; Tỷ trọng chi lương, phụ cấp cao trong chi thường xuyên lớn nhưng chưa có số liệu, tình hình thuyết minh việc tinh giản biên chế để giảm chi NS; Chưa tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, lĩnh vực, chương trình, mục tiêu được giao phụ trách; Chưa nêu tình hình hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh,…
Hay như tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để.
Theo đó, việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp vẫn diễn ra nhiều sai phạm nên qua thanh tra, kiểm tra thuế tại 103.211 doanh nghiệp đã truy thu nộp NSNN hơn 15.438 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2016; qua kiểm toán, kiểm toán nhà nước (KTNN) xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm 19.858 tỷ đồng. Kết quả thanh tra kiểm tra, kiểm toán cho thấy số truy thu thuế có xu hướng gia tăng khi diện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mở rộng;
“Vì vậy, để ngăn chặn việc kê khai thiếu, không chính xác số thuế phải nộp, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc truy thu số thuế thiếu cần áp dụng phù hợp các chế tài xử lý, kể cả áp dụng Bộ Luật hình sự” – Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân trình bày sách nêu rõ.
Về Chi ngân sách nhà nước, thẩm tra cho thấy, công tác lập, giao dự toán chi ngân sách còn bất cập; vẫn còn tình trạng giao dự toán không đúng quy định, trong đó một số bộ, ngành, địa phương phân bổ, giao vốn vượt tổng mức đầu tư, vượt mức hỗ trợ, vượt nhu cầu,… phân bổ cho các dự án khi chưa đủ điều kiện hoặc không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Đánh giá tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục, Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ ra, trong khi ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình cần đầu tư nhưng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 nguồn NSNN giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây, chỉ đạt 86,3%.
Cùng với đó, vẫn xảy ra tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư.
Có địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền; phê duyệt án chưa đúng quy định; có dự án hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, chính xác, thiết kế, dự toán còn sai sót, hình thức lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án được kiểm toán đều có sai sót…
Tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chưa được khắc phục, có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần (Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng phát triển Việt Nam tại Nha Trang điều chỉnh 4 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 39 lần).
Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho biết, nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi.
Cụ thể, còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức nên KTNN xuất toán thu hồi nộp NSNN 327 tỷ đồng, giảm dự toán, giảm thanh toán3.250 tỷ đồng; phát hiện 38/49 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 3.104,9 tỷ đồng…; qua kiểm soát chi, KBNN cũng từ chối thanh toán 128 tỷ đồng các khoản không đúng chế độ…
Theo VnMedia