Phòng vệ thương mại góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng với hàng nhập khẩu đã góp phần tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh gia tăng nhanh chóng hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được nhận trợ cấp trái với cam kết quốc tế.

Bộ Công Thương cho biết, nền kinh tế nước ta bước vào năm 2023 trong bối cảnh hết sức khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế chung suy giảm mạnh so với cuối năm 2022. Mặc dù tình hình dần được cải thiện từ Quý II đến nay nhưng các khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, đà tăng trưởng thị trường trong nước có dấu hiệu chững lại, giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu, nhiều bất cập, vướng mắc nội tại sau nhiều năm tích tụ tiếp tục bộc lộ…, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.

Các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng với hàng nhập khẩu đã góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước. 

Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm…

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 xuất siêu 28 tỷ USD.

Đặc biệt, trong năm 2023, công tác phòng vệ thương mại (PVTM), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được tăng cường.

Cụ thể, để bảo vệ sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh gia tăng nhanh chóng hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được nhận trợ cấp trái với cam kết quốc tế, gây thiệt hại đáng kể, nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 27 vụ việc PVTM. Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã và đang triển khai điều tra, rà soát 12 vụ việc, gồm: 7 vụ việc rà soát theo yêu cầu của các bên liên quan đối với các vụ việc: bột ngọt, sợi filament, đường mía, phôi thép-thép dài, màng BOPP và thép hình chữ H; 03 vụ việc rà soát cuối kỳ trong vụ việc thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu và nhôm thanh định hình; 2 vụ việc mới khởi xướng điều tra đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió.

Bộ Công Thương cũng đang tham vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước xây dựng hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp PVTM với một số sản phẩm khác như: thép thanh dự ứng lực, thép mạ, sorbitol…

Các mặt hàng điều tra khá đa dạng, gồm: sản phẩm kim loại cơ bản (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất (sorbitol, sợi filament, màng BOPP), vật liệu xây dựng (kính nổi, gỗ MDF), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía, đường lỏng HFCS), trong đó có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng gắn với đời sống của người nông dân (sản phẩm đường, bột ngọt (liên quan tới cây mía), sorbitol (liên quan tới cây sắn).

Các biện pháp PVTM đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm khoảng 9,5% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2022) và công ăn việc làm của hàng triệu người lao động, người nông dân trong các lĩnh vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ngành hàng nhạy cảm như nông nghiệp…

Các biện pháp PVTM đã áp dụng cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước.

Về công tác ứng phó với các vụ việc PVTM nước ngoài, năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 12 vụ việc điều tra PVTM, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý, hiệu quả các vụ việc PVTM nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Một số kết quả đạt được trong năm 2023 như: Hoa Kỳ kết luận thép dây không gỉ Việt Nam không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc, một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Đài Loan – Trung Quốc, doanh nghiệp pin mặt trời lớn của Việt Nam không lẩn tránh thuế và miễn thuế tạm thời với mặt hàng này, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe được rà soát trong năm 2021; Philíppin giảm thuế chống bán phá giá đối với xi măng so với lệnh áp thuế trước đó; Úc chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat; Mêhicô đánh giá ngành thép mạ Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ trong kết luận cuối cùng so với kết luận sơ bộ trước đó…

Bộ Công Thương cũng thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, qua đó giúp phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam.

Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của ta đã đối mặt với 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM của nước ngoài, trong đó riêng năm 2023 là 04 vụ việc gồm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như pin năng lượng mặt trời, dây cáp nhôm, bánh xe kéo bằng thép, thép không gỉ cán nguội.

Hiện, Bộ Công Thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.

Theo VietQ.vn

Phòng vệ thương mại góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước (vietq.vn)

(Visited 19 times, 1 visits today)