Phát triển ngành đồ uống bền vững gắn với chăm sóc sức khỏe, tái chế, bảo vệ môi trường

Cơ hội giao thương - Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và yêu cầu về nghĩa vụ tái chế bao bì đối với ngành đồ uống. Vì vậy, cần phát triển ngành đồ uống theo mô hình sản xuất thông minh, lấy sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường làm kim chỉ nam, từ đó xây dựng vị thế vững chắc trong tương lai.

Đây là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Phát triển công nghiệp đồ uống” diễn ra sáng 26/4/2025, do Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp Công ty TNHH Thiết bị Thông minh Youngsun Hangzhou tổ chức.

Với chủ đề “Sản xuất thông minh – Vị ngon lành mạnh; Tiết kiệm năng lượng – Bảo vệ môi trường”, hội thảo đã mang đến các thông tin cập nhật hữu ích, các xu hướng mới, công nghệ mới, tiên tiến, đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới và khu vực, đồng thời tạo cơ hội kết nối, giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy ngành đồ uống Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Theo các chuyên gia, năm 2024, bức tranh ngành đồ uống toàn cầu có sự dịch chuyển lớn sang sản phẩm phục vụ sức khỏe. Tổng sản lượng đồ uống đạt 188 triệu tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó các nhóm đồ uống hỗ trợ dinh dưỡng như nước khoáng, đồ uống trà giàu hoạt chất sinh học và đồ uống chuyên biệt chiếm tỷ trọng ngày càng cao.

Đặc biệt, thị trường Nhật Bản chứng kiến sự bùng nổ của đồ uống chức năng với mức tăng trưởng sản lượng lên tới 109,7%. Đáng chú ý, hơn 1.300 dòng sản phẩm đồ uống mới ra trong năm 2024 cũng chủ yếu nhắm vào các mục tiêu như kiểm soát cân nặng, điều hòa huyết áp, ổn định đường huyết, hỗ trợ tiêu hóa và nâng cao miễn dịch.

Các thương hiệu lớn như Coca Cola Nhật Bản, Suntory và Asahi đồng loạt giới thiệu các loại trà thảo dược không đường hoặc chỉ sử dụng Erythritol (chất tạo ngọt an toàn) thay thế đường tinh luyện, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ bệnh mãn tính.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của công nghệ tái chế nhựa PET thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe từ nguồn nguyên liệu. Hiện các sáng kiến sử dụng bao bì thân thiện môi trường như chai PET dễ tái chế được hầu hết doanh nghiệp sử dụng, chiếm 79% thị trường, cho thấy sự gắn kết giữa mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường. 

Phân tích bài toán kinh tế liên quan đến việc tái chế bao bì đồ uống, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, các chuyên gia nhấn mạnh đến vai trò then chốt của công nghệ tái chế nhựa PET đựng thực phẩm trong xây dựng chuỗi sản xuất an toàn.

Đại diện của Công ty Aceretech – doanh nghiệp dẫn đầu trong công nghệ tái chế tại Trung Quốc đã giới thiệu hệ thống tái chế nhựa PET đạt chuẩn thực phẩm, được chứng nhận bởi FDA Hoa Kỳ. Theo đó, thông qua công nghệ khử độc chân không VacuPure, kết hợp máy đùn trục vít đôi đồng chiều và hệ thống poly ngưng tụ ở trạng thái rắn (SSP), Aceretech loại bỏ hoàn toàn các chất ô nhiễm tồn dư trong PET tái chế, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tiếp xúc với thực phẩm, kể cả trong môi trường tiệt trùng và đông lạnh. Đây là bước tiến quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh, đồng thời góp phần xây dựng nền sản xuất tiêu dùng tuần hoàn, thân thiện sức khỏe.

Phát triển ngành đồ uống theo mô hình sản xuất thông minh, lấy sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường làm kim chỉ nam.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA chia sẻ, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, gắn với chăm sóc sức khỏe và tái chế bao bì nhằm bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu hiện nay đối với các ngành kinh tế nói chung và ngành đồ uống nói riêng.

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu mới nhằm trụ vững trên thị trường, thời gian qua, doanh nghiệp ngành đồ uống đã tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ thông tin về đổi mới công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải tiến bao bì theo hướng thân thiện với môi trường. Bởi đó không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh – Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt cho hay.

Theo đó, doanh nghiệp ngành đồ uống đã tối ưu hóa chi phí, cải cách mạnh mẽ quy trình sản xuất, mạnh dạn đầu tư vào các hệ thống mới, tiên tiến, hiện đại với quy trình giám sát chặt chẽ để cuối cùng, hướng tới những công nghệ sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường: điện mặt trời, năng lượng tái tạo và tái sử dụng hoặc tái chế rác thải và phụ phẩm, các nguyên liệu thay thế,… có thể đưa ra thị trường các sản phẩm được khách hàng tin dùng luôn là mục tiêu tối quan trọng.

Ông Việt cũng cho rằng, cùng với việc chấp hành nghiêm túc quy định như nghĩa vụ tái chế EPR, Luật Bảo vệ môi trường, ngành đồ uống cần mạnh dạn đầu tư vào sản xuất tiết kiệm năng lượng, tận dụng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh tái chế phụ phẩm để vừa giảm chi phí, vừa tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo VBA, việc mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, tái chế phụ phẩm, sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp ngành đồ uống Việt Nam không chỉ hội nhập nhanh hơn với xu thế quốc tế mà còn đảm bảo phát triển dài hạn trên nền tảng bền vững.

“Việt Nam đã ban hành Luật bảo vệ môi trường và yêu cầu về nghĩa vụ tái chế bao bì đối với ngành đồ uống. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải tiến bao bì theo hướng thân thiện môi trường không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo dựng niềm tin với cơ quan quản lý và người tiêu dùng”- Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam nhấn mạnh.

Theo VietQ.vn

https://vietq.vn/phat-trien-nganh-do-uong-ben-vung-gan-voi-cham-soc-suc-khoe-tai-che-bao-ve-moi-truong-d232765.html

(Visited 11 times, 11 visits today)