Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển” được báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều 29/5 tại Hà Nội.
Hệ thống cảng biển Việt Nam có nhiều tiềm năng
Theo thông tin buổi tọa đàm, Việt Nam là quốc gia có vùng biển rộng lớn với diện tích trên 1 triệu km2, đường bờ biển dài trên 3.200 km và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ nằm trải dọc theo chiều dài đất nước. Nghị quyết 09-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam xác định đến năm 2030 đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Đến nay, cả nước đã hình thành được một hệ thống gồm 45 cảng biển, một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistic lớn. Hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước…
Tuy nhiên, để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam xứng tầm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc: sự kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa vẫn còn những bất cập; quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch dân cư – đô thị, quy hoạch lao động… chưa có sự đồng bộ…
Trả lời câu hỏi tại sao hệ thống cảng biển của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn thế không phát huy được hết lợi thế của mình?, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện kinh tế rất mở, nên phát triển dựa phần lớn vào xuất khẩu. Và muốn xuất khẩu nhiều cần phải có cảng biển. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay đó là chi phí logistic, trong đó tắc nghẽn từ cảng biển rất cao.
Cũng theo ông Cung, tắc chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm như Bà Rịa – Vũng Tàu, Sài Gòn, Hải Phòng… phần lớn sản xuất và tăng trưởng ở đây (chiếm tới 60% GDP của cả nước). “Giả sử như Việt Nam tăng trưởng ở vùng cảng biển thêm 1% thì GDP tăng thêm được 0,6 điểm %. Như vậy, nếu chúng ta giảm được chi phí ách tắc từ logistic thì có thể tăng trưởng thêm”, ông Cung lý giải.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, ngay từ những năm đầu của hội nhập kinh tế, hệ thống cảng biển là mấu chốt để giúp phát triển. Theo thống kê, chúng ta có 45 cảng biển, tuy nhiên có cảng biển đúng nghĩa của Việt Nam chắc ít, chúng ta nhiều bến hơn nhiều cảng.
Theo ông Kiên, hiện sự gắn kết của quy hoạch tổng thể với các ngành có sự chồng chéo, và không vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Vẫn có sự xé lẻ, phân khúc ra.
“Mặc dù chúng ta có 3 vùng trọng điểm kinh tế, nhưng có lẽ các địa phương trong từng vùng trọng điểm kinh tế, đặc biệt là khu vực miền Trung và khu vực phía Bắc phát triển không có sự tranh chấp nhiều với các cảng lớn, cảng nước sâu. Ở khu vực phía Nam Bộ, đặc biệt với hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đi xuống là liên tiếp có những cảng đi xuống, Từ Bến Nhà Rồng đi sang Hiệp Phước, Từ Tân Cảng sang Cảng Cái Mép – Thị Vải… làm cho chúng ta quá tập trung vốn đầu tư vào các bến, mà chưa tập trung vào sân bãi, logistic cũng như hạ tầng kết nối của các cảng. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong các năm tiếp theo mà chúng ta phải giải quyết”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.
Còn nhiều thách thức trong phát triển hệ thống cảng biển
Theo thống kê, lượng hàng hóa thông qua cảng biển của Việt Nam trong vòng 10 năm qua tăng từ 10% – 12%. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa phân bổ giữa các cảng quá chênh lệch. Khu vực các cảng phía Bắc chiếm 25% – 30% khối lượng vận tải nên công suất vẫn còn thừa; các cảng miền Trung chiếm 13% đang ở tình trạng thiếu hàng hóa, chỉ sử dụng một phần công suất; còn các cảng phía Nam chiếm đến 57% – riêng container đến 90%, hiện đang quá tải.
Chia sẻ về những thống kê này, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam, sự quá tải không phải do các cảng mà do kết cấu hệ thống liên kết cảng.
“Việt Nam đã có hướng đi đúng trong việc thúc đẩy sự phát triển cảng biển bằng việc kết hợp với các công ty nước ngoài. Ở miền Bắc ta thấy việc đầu tư phát triển cảng Đình Vũ rất tốt. Đây là yếu tố giúp các cụm công nghiệp sẽ bùng lên phát triển. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nghịch lý nằm ở hạ tầng giao thông. Mặt khác còn do chi phí lưu thông trên đường cao tốc và logistics quá cao… “, ông Thiên phân tích.
Trong khi đó, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, Việt Nam đủ tiềm năng để trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển bao gồm nhiều lĩnh vực: Kinh tế biển có cả vận tải, dịch vụ, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp tàu thủy, trong đó có đóng, sửa chữa và cảng biển.
Tuy nhiên, để phát triển cảng biển, ông Thu cho rằng, cần có liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển cảng biển, không phải chỉ mỗi giao thông vận tải mà cả các ngành khác, để giảm sự cạnh tranh. Cùng với đó cần tính đồng bộ của hệ thống kết nối cảng, phải là cả phần cứng và phần mềm…
Theo VnMedia