Phát triển điện khí ở Việt Nam – còn nhiều trở ngại

Cơ hội giao thương - Nhận thức rõ tầm quan trọng của điện khí LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam hiện đang có nhiều cơ hội, song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực.

Phát triển điện khí- xu hướng tất yếu

Tại “Hội thảo phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 24/1/2024 tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do: thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Hội thảo “Phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” ngày 24/1/2024 tại Hà Nội

LNG là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến -162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất, được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Việc đưa LNG vào sử dụng còn là phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 về xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải. 

Điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, công suất lớn, đặc biệt giảm thiểu khí gây ô nhiễm so với các nhà máy điện chạy than và dầu, phù hợp với xu thế phát triển bền vững; cung cấp nguồn điện ổn định khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết.

Bởi vậy, điện khí đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng khi các nguồn tài nguyên truyền thống như thủy điện, than, dầu khí đang trên đà suy giảm… và con người đang hướng tới sử dụng những dạng nhiên liệu bền hơn, sạch hơn, ít gây ô nhiễm môi trường sống hơn.

Vai trò quan trọng của phát triển điện khí LNG ở Việt Nam đã được Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành khẳng định và từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam. 

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã phê duyệt tháng 5/2023, phát triển điện khí là nội dung và nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống, đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống…

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, điện khí LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW chiếm 14,9%).

Cũng theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện. Trong trường hợp sản lượng khí trong nước suy giảm thì nhập khẩu bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG. Phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp, sử dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydro khi công nghệ được thương mại hóa và giá thành phù hợp.

Bồn chứa LNG của Tổng công ty Khí Việt Nam- PV GAS.

Phát triển điện khí LNG- còn nhiều rào cản

Theo các chuyên gia, việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội, song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực. Hiện Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phát triển điện khí LNG đang đối mặt với hàng loạt rào cản, nổi bật là: Thứ nhất là rào cản về cơ sở hạ tầng; Thứ hai là rào cản về qui hoạch; Thứ ba, rào cản về vốn đầu tư; Thứ tư, rào cản về cơ chế mua bán khí và điện; Thứ năm là rào cản về giá.

Tại hội thảo, TS. Vũ Đình Ánh- Chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến nghị: Ngay năm 2024, Quốc hội cần có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí LNG nhằm xóa bỏ những rào cản nêu trên, đảm bảo đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Đồng thời xem xét sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về Quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, làm cơ sở để điều hành giá điện linh hoạt hơn, chu kỳ ngắn hơn và tính được đúng, đủ giá cả các yếu tố đầu vào của giá thành cung cấp điện. Tất cả cơ chế chính sách đối với điện khí LNG đều phải tuân theo nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh, cả các yếu tố đầu vào lẫn yếu tố đầu ra.

TS. Nguyễn Minh Phong- Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cũng đưa ra một số giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện khí hiện nay. Đó là, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý (nhất là các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính…) làm cơ sở để đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế;

Cần đẩy nhanh nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và triển khai nâng công suất/đầu tư mới các dự án kho cảng LNG để kịp thời đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho phát điện theo Quy hoạch; Bộ Công Thương cần xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG; xây dựng kế hoạch cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm là cơ sở để các ngân hàng xem xét cấp tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn…- TS. Nguyễn Minh Phong nêu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích, nhận định và đánh giá tổng quan tiến trình phát triển điện khí nói riêng và phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam nói chung hiện nay. Hội thảo cũng nêu thực trạng, cơ hội cũng như thách thức trong quá trình xây dựng hệ thống cơ chế chính sách phát triển điện khí tại Việt Nam, từ đó có những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền chức năng nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thu hút đầu tư vào các dự án điện khí.

Đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon, chiến lược và tầm nhìn của Việt Nam đối với việc đẩy mạnh phát triển điện khí trong trung và dài hạn đã có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước theo hướng ngày càng chú trọng đến việc phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới đi kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.

Theo VietQ.vn

Phát triển điện khí ở Việt Nam- còn nhiều trở ngại (vietq.vn)

(Visited 5 times, 1 visits today)