Phát triển công nghiệp cơ khí, nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Cơ hội giao thương - Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được hàng loạt loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, những năm qua, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông lâm thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn và đã đạt một số kết quả tích cực.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được hàng loạt loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh internet 

Lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí luôn nắm vị trí dẫn dắt, đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói chung. Trong 4 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực chế biến chế tạo duy trì đà tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng chỉ số phát triển công nghiệp – IIP).

Hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như dệt may – da giầy đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Cùng với phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, các sản phẩm chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, đóng góp ngày càng cao vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm 2023, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 85%. Với giá trị lớn, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến chế tạo đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước thời gian qua.

Về công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được hàng loạt loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo, máy sấy là do các doanh nghiệp trong nước chế tạo đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đã được xuất khẩu đi các nước ASEAN, Châu Mỹ, Châu Phi. Ngoài ra, còn có nhiều dây chuyền thiết bị chế biến cà phê và hạt điều.

Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, đặc biệt công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục công tác hoàn thiện thể chế, tham mưu, trình Chính phủ ban hành chính sách nhằm thúc đẩy và phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 32/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nông nghiệp, nông thôn

Đồng thời, tổ chức triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung cấp cho các tập đoàn này tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài; liên kết, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT;

Triển khai xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật (trên cơ sở tham khảo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp CNHT, cơ khí nói riêng để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị, đáp ứng yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh), cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam; từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTAs đã ký kết;

Đặc biệt là triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm CNHT, công nghiệp cơ khí trong nước, gắn với chú trọng phát triển các ngành ưu tiên như ô-tô, cơ khí nông nghiệp, đường sắt; hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cơ khí, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và khai thác các thị trường tiềm năng ở ASEAN, Châu Phi, Tây Á…

Theo VietQ.vn

Phát triển công nghiệp cơ khí, nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (vietq.vn)

(Visited 26 times, 1 visits today)