Nỗ lực đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho mọi người, tiến tới BHYT toàn dân

Cơ hội giao thương - Luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn chủ động trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn ngành BHXH đã giải quyết cho gần 65 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú…

Ngày 8/7/2022, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.

Quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo

Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, một trong những thành tựu quan trọng trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT là tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng trưởng vượt bậc qua các năm. Nếu như năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.

Cùng với đó, trung bình hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Hội nghị là hoạt động cung cấp thông tin được BHXH Việt Nam tổ chức định kỳ hằng quý, đồng thời hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam (ngày 01/7/2022)

 Trong 6 tháng đầu năm 2022, BHXH Việt Nam đã chủ động hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Tính đến hết tháng 6/2022, đã có trên 17,1 triệu người tham gia BHXH đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người); gần 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2021; trên 86,8 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.

Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tiến tới BHYT toàn dân.

Đến hết tháng 6/2022, Ngành BHXH đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho gần 6,3 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; giải quyết khoảng 409 ngàn người hưởng các chế độ BHTN; giải quyết cho gần 65 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú…- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn về những quyền lợi mà chính sách BHYT mang lại cho người dân, ông Lê Văn Phúc- Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chia sẻ: Hiện tại nước ta đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT được tiếp cận được các thuốc mới.

Cụ thể, chúng ta đang có hai danh mục thuốc bao gồm 1.030 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. Cùng với đó là danh mục thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền cũng bao gồm 349 vị thuốc y học cổ truyền; 229 thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với khoảng trên 1.200 chế phẩm.

Trong khi đó, theo báo cáo của WHO, các nước có điều kiện tương đồng như Thái Lan, Indonesia, Philippines danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của người tham gia BHYT bình quân khoảng 600 thuốc (Thái Lan: 660, Indonesia: 601).

Về danh mục dịch vụ kỹ thuật, hiện nay có 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT. Danh mục dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT có đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật theo 28 chuyên khoa/chuyên ngành, bao gồm cả các kỹ thuật y học hiện đại và y học cổ truyền từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.

 Hiện có 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT.

Nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh BHYT

Một trong những thành công ứng dụng công nghệ thông tin mang lại lợi ích cho cả người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH là Hệ thống thông tin giám định BHYT.

Ông Nguyễn Tất Thao- Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến Khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho hay, từ tháng 1/2017, hệ thống thông tin giám định BHYT được hoàn thiện và chính thức triển khai thực hiện đã mang lại rất nhiều hiệu quả trong công tác quản lý quỹ BHYT, bao gồm: Cổng Tiếp nhận dữ liệu; Phần mềm giám định BHYT; Phần mềm Giám sát KCB BHYT; Phần mềm Quản lý thuốc.

Cụ thể, cổng tiếp nhận dữ liệu đã kết nối, thực hiện liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với 12.380 cơ sở KCB từ tuyến xã đến Trung ương trên toàn quốc, được bổ sung chức năng cấp mã thẻ BHYT tạm, tra cứu thông tin thẻ BHYT theo mã số BHXH trên ứng dụng VssID, ứng dụng VNEID/CCCD gắn chíp, chức năng đề nghị cấp mã tạm vật tư y tế…

Thông qua các chức năng của Phần mềm giảm định BHYT, BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh đã phát hiện và thu hồi về quỹ BHYT rất nhiều các trường hợp thanh toán sai quy định (thanh toán trùng lặp; thanh toán sai, KCB nhiều lần, cấp trùng thuốc…); đồng thời, giúp kịp thời phát hiện nhiều trường hợp trục lợi BHYT.

Phần mềm giám sát khám chữa bệnh BHYT được phát triển từ tháng 8/2017, có tổng số 115 chức năng, với 56 bản đồ, 19 biểu đồ được cập nhật số liệu theo dõi tình hình khám chữa bệnh hằng ngày trên toàn quốc. Các thông tin về tình hình khám chữa bệnh được cập nhật, công khai minh bạch thường xuyên đã giúp BHXH các địa phương kịp thời phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh trong kiểm soát sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT.

Phần mềm Quản lý thuốc được triển khai từ tháng 12/2019 với các chức năng phân tích sử dụng các loại nhóm thuốc, hoạt chất và từng mặt hàng; phân tích ABC/VEN, DDD… từ đó cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến mua sắm, điều trị bằng thuốc, thanh toán chi phí thuốc của các bệnh viện.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh BHYT cũng đã trở thành nguồn thông tin chủ yếu trong xây dựng chính sách, xây dựng các phương thức chi trả BHYT. Đầu năm 2020, thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã xây dựng công cụ giám sát các bệnh mạn tính để hỗ trợ ngành y tế ngăn ngừa, phòng chống hiệu quả dịch bệnh.

Cùng với định hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT, ngành BHXH Việt Nam thời gian qua cũng nỗ lực triển khai hiệu quả việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID- BHXH số và sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế BHYT trong khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, sau 5 tháng thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT thay cho thẻ BHYT giấy, được sự thống nhất của Bộ Y tế, từ 01/6/2021 hình thức này đã được triển khai trên toàn quốc.

Tính đến hết tháng 6/2022, trên toàn quốc đã có trên 26,2 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 673.755 người với 1.212.145 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT.

Đối với việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, sau 4 tháng triển khai, tính đến hết tháng 6/2022, toàn quốc đã có 6.433 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân với 253.130 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chíp…

Theo VietQ.vn

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho mọi người, tiến tới BHYT toàn dân (vietq.vn)

(Visited 6 times, 1 visits today)