Đảm bảo không tăng biên chế khi kiểm toán nội bộ cơ quan nhà nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ; trong đó quy định cụ thể về công tác kiểm toán nội bộ và người làm công tác kiểm toán nội bộ.
Cụ thể, về công tác kiểm toán nội bộ đối với cơ quan nhà nước, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Việc thực hiện công tác kiểm toán nội bộ ở các đơn vị nêu trên phải đảm bảo nguyên tắc không tăng biên chế, không phát sinh đầu mối mới…
Ngoài ra, Nghị định quy định rõ người làm công tác kiểm toán nội bộ phải có 5 tiêu chuẩn, điển hình: Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán; Đã có thời gian từ 5 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 3 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 3 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra…
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/4/2019.
Lãi suất chơi họ không được vượt quá 20%/năm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, trong đó quy định rõ về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ họ.
Theo Nghị định này, lãi suất khi chơi họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ.
Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ vượt quá lãi suất giới hạn quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Riêng đối với trường hợp đến kỳ mở họ mà chủ họ không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho thành viên được lĩnh họ, thành viên chưa lĩnh họ không góp phần họ hoặc góp phần họ không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả….
Nghị định 19/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/4/2019.
Tăng gấp 3 lần lệ phí trước bạ với xe bán tải
Kể từ ngày 10/4/2019, xe ô tô bán tải và xe van sẽ phải nộp lệ phí trước bạ lần đầu bằng 60% so với mức lệ phí ban đầu của ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống.
Đây là quy định tại Nghị định số 20/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 về lệ phí trước bạ.
Như vậy, với mức phí trước bạ 10% đối với xe dưới 9 chỗ ngồi trở xuống đang áp dụng hiện nay, phí trước bạ đối với xe bán tải được áp dụng kể từ ngày 10/4/2019 sẽ là 6%, tăng gấp 3 lần so với mức 2% như đang áp dụng lâu nay.
Riêng Hà Nội, phí trước bạ đối với xe bán tải và xe van sẽ áp dụng cao hơn các địa phương khác, ở mức 7,2% do phí trước bạ xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi đang áp dụng ở mức 12%.
2 trường hợp tổ chức triển lãm phải xin giấy phép
Theo Nghị định 23/2019/NĐ-CP của Chính phủ, có 2 trường hợp tổ chức triển lãm phải xin phép. Cụ thể, triển lãm do tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đưa ra nước ngoài; triển lãm do tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.
Nghị định cũng yêu cầu, các tác phẩm, hiện vật, tài liệu tham gia triển lãm… không thuộc trường hợp bị đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu.
Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp.
Nghị định 23/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2019.
Tàu cá dài từ 15m chỉ được đánh bắt tại vùng khơi
Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc quản lý hoạt động tàu cá trên các vùng biển Việt Nam.
Nghị định này nêu rõ, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng; Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ.
Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.
Bên cạnh đó, tàu cá đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/4/2019.
Theo VnMedia