Những dự án Việt Nam vừa được cấp phép đầu tư ra nước ngoài

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 6 triệu USD.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 6,25 triệu USD.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến 20/2/2019, cả nước có 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 6 triệu USD. Trong đó có 3 dự án thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 5,6 triệu USD, chiếm 89,5% tổng vốn đầu tư. Hai dự án còn lại thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin và truyền thông. Các nước nhận đầu tư của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 là Hoa Kỳ, Singapore, Phần Lan, Nhật Bản.

Riêng về điều chỉnh vốn, cũng trong 2 tháng đầu năm 2019, có 01 dự án tại Myanmar điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm là 200 nghìn USD..

Về tình hình đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính lũy kế đến ngày 20/2/2019, cả nước có 27.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 344,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 194 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 200 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58 tỷ USD (chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 23 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư).

Theo đối tác đầu tư, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 63,7 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 56,7 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.

Về địa bàn, Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 45tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Hà Nội với 33,2 tỷ USD (chiếm 9,6 % tổng vốn đầu tư), Bình Dương với 32,1 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư).

Theo VnMedia

(Visited 29 times, 1 visits today)