Bộ Tài chính cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực hơn so với các tháng trước.
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân là 223.807 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch giao (tính trên kế hoạch 630.000 tỷ đồng). Ước tính đến 31/8/2020, mức giải ngân sẽ đạt 261.437,8 tỷ đồng, bằng 41,48% kế hoạch. Trong đó, vốn năm 2019 đạt 40,88%, vốn năm 2020 đạt 41,59% (trên tổng số 533.000 tỷ đồng). Tuy vậy, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/8 đạt trên 45%, vẫn còn 31 bộ, ngành và 13 địa phương có tỷ lệ này dưới 35% và thậm chí 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10%.
Nêu nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết, có nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách và nguyên nhân về tổ chức thực hiện.
Theo đó, về cơ chế chính sách, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có một số quy định mới về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, sử dụng chi phí dự phòng của dự án, ban hành đơn giá… chưa được hướng dẫn cụ thể, Chính phủ phải ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP dẫn đến việc các Bộ, ngành địa phương và các chủ đầu tư khó khăn trong việc triển khai những tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc, dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Ngoài ra, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các Nghị định trước đó (Nghị định 132/2018/NĐ-CP, Nghị định 16/2016/NĐ-CP) đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay dẫn đến các Bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.
Cũng theo Bộ Tài chính, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công, nhiều công trình phải tạm dừng thi công. Một số dự án khởi công mới nhưng đang trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công chưa giải ngân, một số dự án vốn kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020 hiện đang trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành nên chưa giải ngân…
Đặc biệt, việc thực hiện các dự án ODA còn gặp rất nhiều vướng mắc như giao kế hoạch chưa rõ về cơ chế tài chính áp dụng (Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Công thương). Một số dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021 – 2025…
Đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao nốt số vốn chưa giao năm nay là 22.000 tỷ đồng, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo. Đối với nguồn vốn giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn 10% dự phòng trung ngân sách trung ương (NSTW) và nguồn 10.000 tỷ đồng giao cho các dự án thuộc danh mục Nghị quyết 797/NQ-UBTVQH14 thực hiện trong kế hoạch năm 2020, do giao muộn (Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 và Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 29/7/2020) nên cần có thời gian triển khai dự án.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung báo cáo Chính phủ cho phép không áp dụng quy định cắt giảm, điều chỉnh vốn, theo Nghị quyết 84/NQ-CP…
Về phía các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ Tài chính kiến nghị là cần xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2020 như Thủ tướng đã nêu.
Theo VnMedia