Yêu cầu cung cấp thông tin về bản đồ phải xuất trình thẻ căn cước
Từ ngày 01/05/2019, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
Đây là một trong những quy định đáng chú ý được nêu tại Nghị định 27/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đo đạc và bản đồ được Chính phủ ban hành ngày 13/03/2019.
Đồng thời, người đại diện cơ quan, tổ chức đến giao dịch yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân và giấy giới thiệu hoặc công văn của cơ quan, tổ chức.
Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ là tài sản công được cung cấp, khai thác, sử dụng dưới dạng bản sao hoặc xuất bản phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc của bản sao theo quy định.
Giảm điều kiện cấp giấy phép doanh nghiệp cho thuê lại lao động
Ngày 20/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định Nghị định 29/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 55/2013/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Theo quy định mới, điều kiện cấp giấy phép cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động đã đơn giản hóa khá nhiều. Cụ thể, chỉ còn 2 điều kiện sau:
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải là người quản lý doanh nghiệp, không có án tích và có từ đủ 3 năm trở lên (trong vòng 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép) kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động;
– Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đồng thời, Nghị định cũng tăng thêm 3 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, nâng 17 công việc lên 20 công việc.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/5/2019.
Luật sư phải tham gia bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu 8 giờ/năm
Đây là quy định được nêu tại Thông tư số 02/2019/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.
Theo đó, luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng trong năm đó khi thuộc một trong các trường hợp như: Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong nước hoặc nước ngoài; viết sách, giáo trình được xuất bản về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư hoặc kỹ năng hành nghề luật sư; tham gia giảng dạy về pháp luật, kỹ năng hành nghề luật sư, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại các cơ sở đào tạo cử nhân luật, cơ sở đào tạo nghề luật sư; tham gia giảng dạy các khóa bồi dưỡng hoặc trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư theo quy định của Thông tư này; tham gia và hoàn thành chương trình đào tạo chức danh tư pháp.
Thông tư số 02/2019/TT-BTP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2019 và thay thế Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 7/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.
Hỗ trợ tới 100% học phí khóa đào tạo quản trị kinh doanh
Ngày 29/03/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 05/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 12/05/2019 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% học phí khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh đối với các đối tượng sau: Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa có trụ sở tại địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Nếu không có điều kiện tham gia đào tạo trực tiếp, học viên có thể tham gia chương trình đào tạo trực tuyến, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Người lao động hoặc cán bộ quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được cung cấp tài khoản để tham gia học tập tại Hệ thống đào tạo trực tuyến trên nền tảng Web hoặc trên thiết bị di động thông minh.
Quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô
Thủ tướng Chính phủ vừa quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông như sau: Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng mức 1.
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1/1/2021. Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1/1/2020.
Đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ quy định ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu áp dụng mức 4 kể từ ngày 15/5/2019.
Trường hợp ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu có thời điểm mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo Luật Hải quan hoặc đã về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày 15/5/2019 thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo VnMedia
(Visited 50 times, 1 visits today)