Nhiều chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chậm hoàn thiện hồ sơ pháp lý cấp giấy phép hoạt động điện lực

Cơ hội giao thương - Theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi đưa vào khai thác cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, tính đến 23/5/2023 mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Nhiều chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chậm trễ trong khâu hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, tính đến 23/5/2023, mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió, 01 dự án điện mặt trời).

Khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Hiện có 8 nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trước ngày 1/1/2021 và 77 nhà máy hoặc phần nhà máy điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 1/1/2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá bán điện FIT tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ với tổng công suất của 85 nhà máy điện chuyển tiếp này là 4.736 MW.

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT và Quyết định số 21/QĐ-BCT làm cơ sở cho EVN và các dự án chuyển tiếp thỏa thuận giá điện đảm bảo không vượt qua khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành (được xác định căn cứ trên cơ sở các số liệu suất đầu tư dự án có xét đến xu hướng giảm suất đầu tư của các loại hình mặt trời, điện gió trên thế giới).

Đến 23/5/2023, mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Thời gian qua các dự án năng lượng tái tạo đã và đang nhận được nhiều cơ chế ưu đãi. Chính sách ưu đãi về giá đã được công bố rõ ràng về lộ trình, mức giá, thời gian ưu đãi, trong quãng thời gian đó, nhiều dự án quy mô rất lớn ở các địa phương dù khó khăn vẫn kịp tiến độ đưa vào vận hành để hưởng cơ chế giá FIT. 

“Việc chạy đua để kịp thời gian hưởng ưu đãi giá FIT, vì thời gian giải phóng mặt bằng và thi công quá gấp rút, dẫn tới nhiều dự án có chi phí đầu tư rất đắt đỏ. Vì thế, thời gian vừa qua, một số chủ đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp coi khung giá mua điện năng lượng tái tạo thấp hơn kỳ vọng, nên không gửi hồ sơ để đàm phán giá điện với EVN, dẫn đến kéo dài thời gian đàm phán, gây lãng phí nguồn lực”- ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết.

Tính đến ngày 26/5/2023, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9 MW đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).

Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư vi phạm quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3/2023 nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.

Đẩy nhanh việc đàm phán giá bán điện của dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới đối với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định.

Đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm thời cho 19 nhà đầu tư đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán với tổng công suất 1.346,82 MW và hiện có thêm 17 nhà máy điện chuyển tiếp đang được EVN hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 5 năm 2023.

Đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp còn vướng mắc thủ tục pháp lý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền. Đồng thời, yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư. 

Hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chính thức vận hành

Trong quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Theo quy định tại Luật Điện lực, các dự án điện trước khi đưa vào khai thác cần được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến 23/5/2023 mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Đối với 19 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời thì có 13 nhà máy điện đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, trong đó 12 nhà máy điện được cấp với toàn bộ công suất theo quy hoạch, 1 nhà máy điện gió mới được cấp giấy phép một phần.

Tuy vậy, có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió, 01 dự án điện mặt trời).

Từ số liệu về giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp nêu trên, có thể thấy, việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.

Việc thoả thuận giá tạm và lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động điện lực trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương cần được các chủ đầu tư thực hiện song song, khẩn trương tối đa, đúng hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các dự án trước pháp luật.

“Chính phủ cùng các Bộ, ngành luôn chia sẻ và đồng hành cùng các nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Để nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính nhà đầu tư, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện Quốc gia, cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật”- Cục Điều tiết điện lực khẳng định.

Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị – kinh tế của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ. Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu tỷ trọng nhỏ, đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị – kinh tế – thương mại với các nước trong khu vực.

Hiện nay, hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn.

Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải, đặc biệt là các công trình truyền tải điện trọng điểm, công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, công trình lưới điện phục vụ đấu nối nhập khẩu điện để đảm bảo hiệu quả tối đa sản lượng điện nhập khẩu theo các hợp đồng/thỏa thuận đã ký.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.

Theo VietQ.vn

Nhiều chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chậm hoàn thiện hồ sơ pháp lý cấp giấy phép hoạt động điện (vietq.vn)

(Visited 27 times, 1 visits today)