Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9/2023.
Chiều tối 10/9, ngay sau cuộc Hội đàm cấp cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã phát biểu với báo chí Việt Nam, Hoa Kỳ và quốc tế, thông tin về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm. Theo đó, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ kết quả và triển vọng phát triển hợp tác kinh tế, công nghiệp và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… đang nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Tính chất bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ
Từ năm 1994 khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bắt đầu.
Hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007)…, trong đó Hiệp định Thương mại song phương (BTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2001 đã đặt nền móng quan trọng, có tính chất khai mở giúp tạo chuyển biến trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ một cách thực chất và mạnh mẽ.
Trải qua gần 30 năm từ thời điểm đó, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022).
Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ
Tính chất bổ trợ trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là điểm nổi trội. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử…
Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… để đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.
Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu…
Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Hoa Kỳ tạo ưu thế quan trọng là giúp làm “sạch hóa” chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận.
“Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực cốt lõi, mang tính chiến lược
Nhận định về các yếu tố thuận lợi trong phát triển quan hệ thương mại hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cơ chế đối thoại chính sách thông qua Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) do Bộ Công Thương đồng chủ trì cùng với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang được triển khai hiệu quả, giúp xử lý nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế kinh tế, thương mại song phương.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục thúc đẩy trao đổi với Hoa Kỳ đề nghị khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan tới lợi ích chính đáng của Việt Nam, đồng thời sẽ giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được đối xử công bằng hơn.
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy và nguy cơ phụ thuộc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ định hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, từ đó giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn Hoa Kỳ.
Đến nay, đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.
Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để phát triển mối quan hệ thương mại giữa hai nước bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý khắc phục một số yếu tố khó khăn, thách thức.
Theo Bộ trưởng, dù Hoa Kỳ là một thị trường nhập khẩu cực lớn với quy mô 3.277 tỷ USD, nhưng đây cũng là một thị trường siêu cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá.
Tại thị trường Hoa Kỳ, sự hiện diện của các nhà nhà sản xuất và nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả và dịch vụ.
Với chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nội địa, gần đây, Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước. Các rào cản phi thuế có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Đến nay, Hoa Kỳ áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam với 53 vụ kiện.
Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ) để lấy ý kiến các bên liên quan.
Trong dự thảo này, DOC đã đề xuất sửa đổi nhiều thủ tục, quy trình hiện hành; luật hóa nhiều thực tiễn điều tra và củng cố một số phương pháp phân tích, tính toán giá và chi phí.
” Bộ Công Thương đang sát sao theo dõi và phối hợp với các hiệp hội ngành hành, doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị cho các phản ứng chính sách phù hợp”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Đối với hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã triển khai nhiều hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, từ thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, xây dựng và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện, đến phát triển điện gió, hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên sâu…
Hai bên cũng đã thiết lập cơ chế Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ. Sắp tới sẽ có thêm những khung khổ hợp tác mới như Đối tác Chuyển dịch Năng lượng công bằng (JETP) nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đã đề nghị Hoa Kỳ có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả.
“Việt Nam cần hợp tác thực chất để đảm bảo có thể tự chủ về các nguồn năng lượng mới, đưa giá thành năng lượng tái tạo về mức hợp lý, phù hợp với người dân, chứ không chỉ đơn thuần cần hỗ trợ vay vốn, mua thiết bị, thuê chuyên gia’- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trong đó có năng lượng sẽ tiếp tục chiếm ưu tiên cao, đóng vai trò động lực thúc đẩy tổng thể quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian tới. |
Theo VietQ.vn