Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cơ hội giao thương - Với tỷ lệ 51% GDP của cả nước, kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hiện bộ phận kinh tế này, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là tiếp cận vốn tín dụng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực cạnh tranh thấp

Tại “Hội thảo Phát triển hệ sinh thái nhằm nâng cao tiếp cận tài chính toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam”, diễn ra ngày 26/3/2025, bà Trịnh Thị Hương- Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, doanh nghiệp tư nhân đang phát triển nhanh về số lượng, một số doanh nghiệp tư nhân lớn, có trình độ về công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu, đạt tầm khu vực và thế giới như Viettel, FPT, Vingroup.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 82% tổng số lao động, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, chỉ có 2% trong số đó là doanh nghiệp lớn, còn lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và siêu nhỏ, với khả năng cạnh tranh còn thấp.

Hội thảo Phát triển hệ sinh thái nhằm nâng cao tiếp cận tài chính toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Đáng chú ý, hiệu quả vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân chưa được cao: cần 1,61 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần. Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu và tham gia và chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt Nam còn mờ nhạt, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài.

Thực tế, kinh tế tư nhân vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển. Khoảng 98% tổng số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao.

Trong đó tiếp cận tài chính luôn là vấn đề nan giải nhất, đặc biệt đối với các DNNVV ở Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có 17,8% tổng dư nợ tín dụng dành cho các DNNVV. Khó khăn này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Phía DNNVV thường kém minh bạch thông tin tài chính, quản trị, thiêu tài sản thế chấp…

Về vấn đề này, ông Trần Anh Quý – Trưởng phòng, Phòng tín dụng chính sách nhà nước, Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích, khó khăn tiếp cận tài chính với DNNVV xuất phát từ nội tại của DNNVV chưa đáp ứng được là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế: phần lớn DNNVV có quy mô siêu nhỏ, vốn ít, manh mún, tốc độ chuyển dịch quy mô chậm nên khả năng huy động vốn hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, công nghệ lạc hậu. Việc tiếp cận thông tin cũng như khả năng nắm bắt cơ hội thị trường hạn chế.

Hơn nữa, nhiều DNNVV thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, chưa minh bạch về tài chính, chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ, các tổ chức tính dụng khó khăn trong việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, DNNVV thường gặp khó khăn, vướng mắc đối với tài sản thế chấp, thiếu hoặc không đầy đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo. Nhu cầu vốn của DNNVV chủ yếu là trung, dài hạn để đầu tư tài sản cố định với giá trị lớn so với quy mô doanh nghiệp mà không có tài sản đảm bảo.

“Tuy nhiên, từ phía khách quan, các điều kiện tín dụng còn cao, thị trường tài chính Việt Nam còn thiếu hụt các sản phẩm ngân hàng và dịch tài chính dành cho DNNVV, cho vay vẫn chủ yếu dựa vào thế chấp bất động sản…” – ông Trần Anh Quý cho hay.

Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 

Theo bà Trịnh Thị Hương, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện cho DNNVV là điều vô cùng cần thiết. Bởi kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Khi các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, minh bạch và đa dạng, họ sẽ có thêm động lực để đầu tư vào đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội.

Nhằm khơi thông nguồn vốn cho DNNVV, ông Trần Anh Quý đề nghị Bộ Tài chính tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các quỹ bảo lãnh DNNVV hiện nay, xem xét xây dựng cơ chế tạo nguồn Quỹ dự phòng rủi ro, đảm bảo khi xảy ra rủi ro, Quỹ có khả năng xử lý mà vẫn bảo toàn vốn điều lệ.

Phân tích về những khó khăn trong tiếp cận vốn của DNNVV, ông Cấn Văn Lực- Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, Nhà nước cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành cơ chế thử nghiệm cho Fintech, xem xết thành lập sàn giao dịch vốn riêng cho các DNNVV như tại Ấn Độ, Nam Phi, sớm thành lập thị tường mua-bán nợ. Cùng với đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách hoạt động cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nhất là các tổ chức cho thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng…, bao gồm cả thuế, phí, xử lý rủi ro…

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, ông Cấn Văn Lực cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; quyết tâm chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phấn đấu niêm yết và phát hành chứng khoán. Đặc biệt là phải tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp: chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tài chính kế toán, nâng cao trình độ quản trị, minh bạch thông tin, tài chính; cùng với đó là đa dạng hóa nguồn vốn…

Theo VietQ.vn

https://vietq.vn/nang-cao-kha-nang-tiep-can-tin-dung-toan-dien-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-d231798.html

(Visited 7 times, 1 visits today)