Năm 2020 – 2025 sẽ thiếu điện nghiêm trọng: Giải pháp nào để khắc phục?

Cơ hội giao thương - Theo đánh giá của Bộ Công Thương, do các dự án nguồn điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào chậm, sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2020 - 2025. Vì vậy, với ưu điểm thời gian xây dựng rất nhanh, chỉ cần 4 - 6 tháng có thể hoàn thành dự án điện mặt trời công suất 50 - 100 MW, nên việc phát triển các dự án điện mặt trời là giải pháp khả thi để đảm bảo cung cấp đủ điện cho giai đoạn này.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn”, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nguy cơ thiếu điện Việt Nam đã được tích tụ từ nhiều năm

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, một trong những nội dung quan trọng làm nóng nghị trường, đó là vấn đề quy hoạch điện năng lượng tái tạo và những vướng mắc trong giải tỏa công suất.

Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, năm 2019 tập đoàn phải huy động khoảng 2,57 tỉ KWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỉ KWh. Sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỉ KWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ KWh, năm 2023 là 15 tỉ KWh. Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiên liệu than và khí cho phát điện thiếu hụt.

Do các dự án nguồn điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào chậm, sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2020 – 2025
Do các dự án nguồn điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào chậm, sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2020 – 2025
Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nguy cơ thiếu điện hiện nay đã tích tụ từ nhiều năm trước. Và bù đắp cho sự thiếu hụt này là sự phát triển trở lại các dự án nhiệt điện than, nhưng các dự án này không đạt tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dẫn đến không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7.000 MW điện mỗi năm. Chưa kể, đòi hỏi về vấn đề môi trường trong phát triển nhà máy nhiệt điện đã đặt ra những áp lực rất lớn. Nguồn điện vốn nhận được kỳ vọng lớn trong xã hội thời gian qua là năng lượng tái tạo hiện có công suất lắp đặt chiếm tỉ trọng khoảng 9% tổng công suất nguồn điện cả nước nhưng sản lượng mới chỉ đạt 2,5%.

Phát triển các dự án điện mặt trời là giải pháp khả thi

Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã đặt kế hoạch đầu tư lưới điện rất lớn trong các năm tới. Theo kế hoạch này, giai đoạn 2016 – 2020 tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỉ đồng và giai đoạn 2021 – 2030 là 610.000 tỉ đồng. Với số vốn đầu tư này, EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện.

Theo ông Nguyễn Văn Vy – đại diện Hiệp hội năng lượng Việt Nam, dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam là các dự án điện nối lưới rất tiềm năng và có triển vọng. Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, do các dự án nguồn điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào chậm, sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2020 – 2025. “Với ưu điểm thời gian xây dựng rất nhanh, chỉ cần 4 – 6 tháng có thể hoàn thành dự án điện mặt trời công suất 50 – 100 MW, nên việc phát triển các dự án điện mặt trời là giải pháp khả thi để đảm bảo cung cấp đủ điện cho giai đoạn này”, ông Vy chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Vy cũng cho rằng, nhằm tránh quá tải cho lưới điện truyền tải, các dự án điện mặt trời không nên tập trung quá lớn tại một địa điểm. Việc thực hiện các dự án có quy mô vừa phải (30 – 50 MW) bố trí gần các trạm biến áp 110kV, trong khi đó các dự án điện mặt trời có thể đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua các đường dây trung áp. Việc này sẽ giảm thiểu đầu tư xây dựng lưới điện, giảm tổn thất điện năng.

Theo thông tin tại Hội thảo, hiện các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt vẫn đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, tuy nhiên nguồn nguyên liệu này đang dần cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3.000km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi để nước ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong cuộc sống. Do đó, nếu có những chính sách tháo gỡ kịp thời thì nguồn điện từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện ngay trước mắt, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo VnMedia

(Visited 30 times, 1 visits today)