Lợi tức trái phiếu Chính phủ vẫn có thể giảm dù đã ở mức rất thấp

Cơ hội giao thương - Trong tháng 2/2020, khối lượng gọi thầu và trúng thầu đều tăng dần qua các phiên mặc dù lãi suất trúng thầu vẫn tiếp tục giảm về vùng thấp lịch sử...

Lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục giảm ở các kỳ hạn dài, độ dốc đường cong lợi tức giảm mạnh

Theo báo cáo thị trường trái phiếu của SSI Research, trong tháng qua, khối lượng gọi thầu và trúng thầu đều tăng dần qua các phiên mặc dù lãi suất trúng thầu vẫn tiếp tục giảm về vùng thấp lịch sử, tuy nhiên mức độ giảm chỉ từ 6-25bps, thấp hơn rất nhiều so với bước giảm sâu từ 60-87bps trong tháng 1/2020 và đã có dấu hiệu chững lại trong phiên đấu thầu cuối tháng.

Có tổng cộng 13.734 tỷ đồng TPCP với kỳ hạn bình quân là 18.2 năm được phát hành trong tháng 2/2020, cao hơn so với 9.526 tỷ đồng TPCP kỳ hạn bình quân 14.1 năm được phát hành trong tháng 1/2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm, có 23.260 tỷ đồng TPCP được phát hành, tương đương 46.5% kế hoạch phát hành Q1/2020 và chỉ bằng 42.1% lượng phát hành của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng TPCP đáo hạn 2 tháng đầu năm 2020 lên tới gần 37.7 nghìn tỷ đồng nên thực chất phát hành ròng là âm và lượng TPCP lưu hành thu hẹp khoảng 14.5 nghìn tỷ đồng.

Để hoàn thành kế hoạch phát hành 50-60 nghìn tỷ trong Q1/2020, lượng phát hành tháng 3/2020 tối thiểu sẽ phải là 26.7 nghìn tỷ. Tuy vậy, nhu cầu phát hành thực tế của kho bạc nhà nước (KBNN) có thể sẽ thấp hơn nhiều do tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn rất chậm.

Theo thống kê, hai tháng đầu năm 2020 mới chỉ giải ngân được 34.7 nghìn tỷ, bằng 7.4% kế hoạch năm. Thêm vào đó, “việc FED hạ lãi suất có thể khởi động một làn sóng nới lỏng mới trên toàn cầu nói chung và gia tăng kỳ vọng nới lỏng tại Việt Nam khiến cầu TPCP tăng lên. Bởi vậy, lợi tức TPCP vẫn có thể giảm dù đã ở mức rất thấp”, SSI nhận định.

Trên thị trường thứ cấp, lợi tức TPCP tăng 7-34bps ở các kỳ hạn 5 năm trở xuống do giá trái phiếu hiện đang ở vùng giá quá cao khiến tâm lý thận trọng và nhu cầu chốt lời gia tăng. Tuy vậy, lợi tức vẫn tiếp tục giảm 13-29bps ở các kỳ hạn trên 5 năm do áp lực từ sự sụt giảm của lãi suất trúng thầu trên sơ cấp (kể từ 2019, KBNN đã ngừng phát hành TPCP các kỳ hạn dưới 5 năm).

Tại cuối tháng lợi tức TPCP các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 1.76%/năm, 1.89%/năm, 1.96%/năm, 2.87%/năm, 2.93% năm, 3.14%/năm và 3.55%/năm. Độ dốc của đường cong lợi tức duy trì xu hướng giảm trong 2 tháng gần đây.

Tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp trong tháng 1/2020 là 206.8 nghìn tỷ đồng, bình quân 10.341 tỷ đồng/phiên – tăng 9.3% so với tháng trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.712 tỷ đồng – mức bán ròng theo tháng lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Các doanh nghiệp hạn chế phát hành trong tháng qua

Trong tháng 2/2020 có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành 4.025 tỷ đồng, chiếm 72% lượng phát hành trong tháng. Lượng phát hành tháng 2 thu hẹp, chỉ bằng 41% lượng phát hành trong tháng 1/2020 dù số ngày làm việc nhiều hơn do tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Qua đó phần nào phản ánh sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp.

Công ty CP Đầu tư Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam phát hành 1.943 tỷ đồng trái phiếu 5 năm chia làm 40 lô phát hành và là tổ chức phát hành nhiều nhất trong tháng 2/2020. Trước đó, trong tháng 1/2020, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 1.441 tỷ đồng trái phiếu 3 năm chia làm 30 lô. Toàn bộ đều có lãi suất cố định là 10.9%/năm và bên mua các cá nhân trong nước.

Lãi suất bình quân các lô phát hành trái phiếu BĐS trong tháng 2 là 11%/năm, giảm so với mức bình quân 11.73% của tháng 1/2020. Trong đó, lô phát hành có lãi suất cao nhất (12%/năm) là 50 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm của CTCP Đầu tư và Phát Triển Ánh Dương Hòa Bình.

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành 2 tháng đầu năm 2020 là 19.398 tỷ đồng kỳ hạn bình quân 4.75 năm, lãi suất bình quân là 10.07%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 11.639 tỷ đồng (chiếm 60%). Nhóm doanh nghiệp khác phát hành 6.001 tỷ đồng (chiếm 31%) bao gồm Sovico phát hành 2.000 tỷ đồng, CTCP ô tô Trường Hải phát hành 2.000 tỷ đồng, Vinfast phát hành 950 tỷ đồng… Chỉ có 2 NHTM phát hành trái phiếu là ACB (230 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm) và TPB (552 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm) đều là các trái phiếu đủ tiêu chuẩn tính vào vốn cấp 2.

Các nhà đầu tư cá nhân mua 2.572 tỷ đồng TPDN trong tháng 2, lũy kế 2 tháng 2020 mua 4.926 tỷ đồng trong đó mua trái phiếu BĐS là 4.115 tỷ đồng, còn lại là mua trái phiếu TPB, MBS, TCBS. Các ngân hàng VPB, MBB, TPB, TCB mua vào 2.738 tỷ đồng; TCBS mua 675 tỷ đồng trái phiếu Vinfast; còn lại ghi chung chung là nhà đầu tư tổ chức.

Theo VnMedia

(Visited 16 times, 1 visits today)