Liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo tính bền vững chuỗi giá trị nông sản

Cơ hội giao thương - Tăng cường liên kết chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong nông nghiệp từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững chuỗi giá trị nông sản.

Ngày 28/8/2024, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản”.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và hiệu quả chuỗi giá trị nông sản – một yếu tố cốt lõi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, diễn đàn thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nông nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” ngày 28/8/2024

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tăng cường liên kết chuỗi giá trị: liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau. Cùng với đó là đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn năng lực ngành; Xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản Việt Nam, phát triển thị trường tiêu thụ; bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển bền vững.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt những thành tựu lớn, không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng góp lớn vào xuất khẩu; tăng trưởng duy trì ở mức cao, nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành và phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 280 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ hai Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới; Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 -56 tỷ USD. Trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 ty USD trở lên, với 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhìn nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; phương thức sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để nâng cao hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản, ngành đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đó là đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ và an toàn.

Xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch đặt ra yêu cầu chuỗi giá trị nông sản phải hướng tới thúc đẩy các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn mới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo, trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 HTX nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên hợp tác xã là nông dân.

Cũng theo bà Cao Xuân Thu Vân, hiện cả nước có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.

“Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị cho nông sản Việt, việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân”- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chia sẻ.

Để chuỗi giá trị nông sản Việt phát triển bền vững và hiệu quả, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi.

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch của thị trường hiện nay đặt ra yêu cầu chuỗi giá trị nông sản phải hướng tới thúc đẩy các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường- bà Cao Xuân Thu Vân cho hay.

Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là chiến lược dài hạn để bảo đảm sự thịnh vượng cho nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh và nông nghiệp tuần hoàn như những hướng đi cần thiết để đảm bảo sự bền vững. Ngoài ra, việc xây dựng các liên kết dài hạn giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ, cũng được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính bền vững…

Một số giải pháp cụ thể được đề xuất bao gồm ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, cải tiến giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam; đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản.

Theo VietQ.vn

Liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ để đảm bảo tính bền vững chuỗi giá trị nông sản (vietq.vn)

(Visited 10 times, 1 visits today)