Lãi suất huy động ngân hàng liên tiếp giảm

Cơ hội giao thương - Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của tổ chức tín dụng (TCTD) đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng đi xuống, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên hạ khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.

Lãi suất liên tục được điều chỉnh

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp theo 3 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2019, từ ngày 17/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5 – 1%/năm, giảm 0,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,5%/năm) nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tại cuộc họp với các NHTM ngày 31/3/2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối đa đến 2% so với thời điểm trước dịch đối với các khoản vay cũ và khoản cho vay mới.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của tổ chức tín dụng (TCTD) đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng đi xuống, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên hạ khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.

Theo số liệu công bố của IMF tháng 02/2020, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%, tương đương với lãi suất cho vay của Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực, như Indonesia (10,01%), Mông Cổ (16,81%) và Bangladesh (9,62%), Ấn Độ (9,4%), Myanmar (16%).

Ảnh minh họa

Trong khi đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu ngoại tệ vẫn khá thuận lợi. Trong hơn 04 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá dao động trong biên độ 1,3 – 1,5%. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Riêng về kết quả miễn, giảm phí thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 02 lần giảm phí, có 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ cho các TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức tín dụng triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Liên quan đến kết quả hỗ trợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các TCTD vẫn tập trung tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với dư nợ tín dụng đến 31/3/2020 đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2019 (tăng cao tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 1,13%), chiếm 53,7% dư nợ nền kinh tế.

 Các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ 130.963 tỷ đồng cho 215.088 khách hàng, các TCTD đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay tới 2% so với thời điểm trước dịch, thậm chí nhiều NHTM có mức giảm sâu lãi suất từ 2,5% lên tới trên 4%; tổng dư nợ miễn, giảm, hạ lãi suất đạt 1.085.783 tỷ đồng cho 259.306 khách hàng, các TCTD cho vay mới lãi suất thấp với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.470 tỷ đồng cho 182.821 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.

Trong đó, riêng doanh nghiệp dư nợ cơ cấu 104.319 tỷ đồng cho 6.653 doanh nghiệp; giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ 825.585 tỷ đồng cho 45.329 doanh nghiệp; cho vay mới lãi suất thấp với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 487.843 tỷ đồng cho 36.948 doanh nghiệp, chiếm khoảng 80% tổng số đã được TCTD hỗ trợ, lãi suất cho vay mới thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2% so với trước dịch.

Kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế.

Theo VnMedia

(Visited 13 times, 1 visits today)