Đây là nhấn mạnh của TS Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch/ Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội (HANOISME) tại Tọa đàm “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” mở đầu cho Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội, diễn ra chiều ngày 10/5/2025 tại Hà Nội.

Mở “đường băng” thể chế cho doanh nghiệp
Tiến sỹ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch/ Tổng thư ký Hanoisme cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã mở “đường băng” thể chế.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp Thủ đô), Nghị quyết số 68-NQ/TW giống như “lệnh khởi hành” cho một chặng đua mới.
Thay vì chỉ chờ ưu đãi, cộng đồng doanh nghiệp xác định 3 cam kết đồng hành: Minh bạch quản trị; đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) tối thiểu 2 – 3% doanh thu cho công nghệ, năng lượng tái tạo; liên kết chuỗi giá trị.
“Như vậy, tâm thế mới là chủ động song hành, không thụ động trông chờ – đúng tinh thần “doanh nhân là chiến sĩ kinh tế” mà nghị quyết nhấn mạnh” – ông Mạc Quốc Anh nói.
“Đây là thời khắc đặc biệt để chúng ta cùng nhìn lại hành trình nỗ lực bền bỉ của dân tộc, đồng thời thắp lên khát vọng hành động vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc”- ông Mạc Quốc Anh chia sẻ:
Theo ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mang đến tinh thần đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật, xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin – cho”, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, doanh nghiệp tự do kinh doanh trong ngành nghề pháp luật không cấm; xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp.
Trong năm 2025, Chính phủ sẽ hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; cắt giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí tuân thủ, điều kiện kinh doanh.
Những giải pháp này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm
Doanh nghiệp là “cỗ máy kiến tạo giá trị” và “tế bào” của nền kinh tế
Việt Nam đang bước vào “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi xanh, liên kết khu vực và toàn cầu mở ra cơ hội song hành với thách thức.
Để hiện thực hóa khát vọng hùng cường, theo TS Mạc Quốc Anh, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với vai trò là “cỗ máy kiến tạo giá trị” và “tế bào” của nền kinh tế, cần chủ động dẫn dắt đổi mới sáng tạo khi chính doanh nghiệp, đặc biệt khu vực tư nhân, sở hữu 70% nguồn lực R&D, gắn kết chuỗi giá trị toàn cầu, nâng tầm trách nhiệm xã hội, đồng thời lan tỏa văn hóa kinh doanh chính trực. “Không đổi mới, doanh nghiệp tự đánh mất mình”- TS Mạc Quốc Anh nói.
“Chặng đường phía trước yêu cầu doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, chuẩn hoá ESG (môi trường – xã hội – quản trị), bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp phải xây dựng và gìn giữ bản sắc văn hoá Việt, văn hoá doanh nghiệp Việt” – TS Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Lâu nay, vấn đề thủ tục hành chính luôn là một “điểm nghẽn”. Hiện nay với các nghị quyết mới được Bộ Chính trị ban hành, như Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân…, đã tạo ra cơ hội lớn để doanh nghiệp bứt phá.
Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 – CTCP Thân Đức Việt nhấn mạnh, trước đây, từ chính sách đến thực tiễn là con đường khá dài. Nay Trung ương Đảng đã có những quyết định, chủ trương lớn, như tinh giản bộ máy, sáp nhập, phát triển kinh tế tư nhân…
Theo ông Việt, Chính phủ nên có những tổ công tác đặc biệt để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, đề xuất từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Bởi nếu không có bộ phận chuyên trách thì kiến nghị dù nhiều cũng khó có thể được giải quyết hoặc doanh nghiệp kiến nghị quá nhiều mà không xác thực thì việc giải quyết còn khó khăn hơn. Phải làm sao để con đường từ chính sách đến thực tiễn được ngắn nhất. Khi cơ chế, chính sách được tháo gỡ là lúc doanh nghiệp phải quyết tâm hành động.
Cũng theo ông Thân Đức Việt, sự phát triển mạnh mẽ của từng doanh nghiệp sẽ góp phần tạo nên một thương hiệu quốc gia hùng cường. Để thương hiệu Việt Nam thực sự vươn tầm thế giới, cần có sự chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự tin yêu của người tiêu dùng.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Hanoisme đã trở thành tổ chức uy tín, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững, hội nhập kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Từ những ngày đầu thành lập với số lượng hội viên khiêm tốn, đến nay, Hiệp hội đã mở rộng quy mô với hơn 11.000 hội viên, 28 câu lạc bộ quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, 4 câu lạc bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, có 5 văn phòng đại diện tại Mỹ, Nhật, Áo, Singapore và Cộng hòa Séc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và đất nước.
Với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội đã tích cực tham gia đề xuất chính sách, tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết và hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến tham luận cũng cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chính sách mở cửa hội nhập, tốc độ số hóa và lợi thế về dân số trẻ. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng đạt 40-45 tỷ USD/năm giai đoạn 2025-2030. Các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, fintech, edtech và công nghệ y tế là “mũi nhọn” tiềm năng đưa Việt Nam vươn cao trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không nhận diện đúng và ứng phó linh hoạt, cơ hội vàng có thể thoắt khỏi tầm tay. Hiện năng suất lao động của Việt Nam mới chỉ bằng 62% của Thái Lan, và 11% so với Singapore. Ngoài ra, áp lực chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu, dân số già hóa và sự phân hóa giàu-nghèo giữa đô thị và nông thôn tiếp tục là những thách thức lớn.
Đáng chú ý, khảo sát năm 2024 cho thấy chỉ khoảng 26% doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế, cho thấy dư địa cải thiện còn rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với các thị trường yêu cầu cao về ESG và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
“Kỷ nguyên mới không chờ đợi chúng ta kịp thích ứng; nó chỉ gọi tên những ai dám ước mơ lớn và hành động quyết liệt. Hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước – giữ nước dạy rằng: Dân ta nên nhớ chữ đồng – “đồng tình – đồng sức – đồng lòng – quyết chí – đồng minh” – TS Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/ky-nguyen-moi-goi-ten-nhung-ai-dam-uoc-mo-lon-va-hanh-dong-quyet-liet-d233148.html