Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018.
Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định, thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu, đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011 – 2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại.
Tuy nhiên, tình hình xuất, nhập khẩu cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ sự nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang tạo ra sức hút mới với đầu tư từ nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực, tăng thêm năng lực sản xuất.
Về đầu tư, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018, thu hút đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng, nhất là đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước là tín hiệu tích cực, đem lại những cơ hội mới, không chỉ các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có.
5 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện
Đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong những tháng tiếp theo của năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. Trong đó, quyết liệt đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho đầu tư phát triển; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2019. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ tư, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng của dân tộc.
Theo VnMedia
(Visited 16 times, 1 visits today)