Sáng ngày 27/12/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Xuất khẩu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, năm 2019, toàn ngành Công Thương đã đạt được kết quả rất tích cực và toàn diện khi mà cả 12/12 mục tiêu chung của Chính phủ đề ra đều đã đạt được và vượt mức.
Theo đó, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Xuất khẩu tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7 – 8%).
Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 4 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%; Thặng dư thương mại năm 2019 đạt khoảng 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
“Xuất khẩu năm 2019 hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức trên 500 tỷ đô la. Tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Trước bối cảnh giảm sút tổng cầu, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, bảo hộ mậu dịch gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Theo Bộ Công Thương, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2015 tăng lên thành 23 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 87%. Đến năm 2016 đã tăng lên 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm 88,7%% và đến năm 2019 là 32 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối doanh nghiệp FDI. Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đã đạt 82,1 tỷ, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%). Qua đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 31,16% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,61%).
Cải cách hành chính sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong năm 2020
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bước sang năm 2020 là năm quyết định, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết thúc Chiến lược 10 năm của đất nước, cũng như trong Kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội. “Với những kết quả có được trong những năm trước, cũng như tiếp tục trong năm 2020, mục tiêu không chỉ hoàn thành kế hoạch năm 2020 mà hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của cả Chiến lược và Kế hoạch 5 năm. Đây được coi là nhiệm vụ dài hạn gắn với nhiệm vụ Chiến lược, lẫn cả mục tiêu trong trung, ngắn hạn của năm 2020, đặc biệt đối phối với cục diện chung của trong nước và thế giới sẽ là những nhiệm vụ hàng đầu”, người đứng đầu Bộ Công Thương nêu rõ.
Trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù năm 2019 đã có kết quả khả quan, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên xuất nhập khẩu còn nhiều chiều rộng, mức độ phát triển về chiều sâu chưa tương xứng với nỗ lực với yêu cầu. “Đặc biệt trong bối cảnh khi bảo hộ mậu dịch đang phát triển phức tạp, có nguy cơ làm cản trở sự hoàn thiện phát triển chống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cũng như tự do hóa thương mại hóa của toàn cầu hóa, chúng ta thấy yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết, phải tiếp tục phát triển bền vững thị trường nước ngoài, dựa trên cơ sở tăng cường năng lực cạnh trạnh trên cơ sở tái cơ cấu lại nền công nghiệp, để đảm bảo khả năng tham gia thị trường quốc tế một cách bền vững”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, năm 2020, công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, xây dựng chính sách với Chính phủ, Đảng, Nhà nước được đặt lên hàng đầu. Quan trọng là Bộ Công Thương tự khẳng định mình để phối hợp với bộ ngành, cơ quan chức năng khác để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Liên quan đến các thủ tục hành chính, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đăng ký kinh doanh, điều kiện đầu tư tiếp tục là giai đoạn 2 của Bộ. Bộ Công Thương đã hoàn thành chương trình giai đoạn 2 cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh với 202 điều kiện kinh doanh, chiếm 36% trong tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh và hoàn thành Dự thảo nghị định điều chỉnh cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đang trình lên Thủ tướng sớm ban hành. Tinh thần cải cách hành chính sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong năm 2020. Đã có hơn 292 dịch vụ công của ngành Công Thương đã được đưa lên dịch vụ công trực tuyến và trong đó 166 dịch vụ đang ở cáp độ 3 và 4.
“Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính và xây dựng thực hiện kiểm tra chuyên ngành, hiện nay Bộ Công Thương đã thực hiện 66%, chắc chắn trong năm 2020 mỗi đơn vị trong Bộ sẽ có tiếp tục tham gia rà soát và kế hoạch, triển khai biện pháp kiểm tra chuyên ngành, vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời hướng tới việc đổi mới những yêu cầu trong quản lý nhà nước và có sự đồng bộ với các bộ, ngành để đảm bảo những thủ tục kiểm tra chuyên ngành này không trở thành cản trở, hạn chế cho cộng đồng doanh nghiệp trong khai thác phát triển cũng như tiếp cận trong thương mại quốc tế, trong các hoạt động từ đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, phân phối”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Mục tiêu năm 2020, công tác thể chế, hoàn thiện thế chế, cải cách, hoàn thiện pháp luật, tham mưu chính sách, điều hành chính sách đều hướng tới mục tiêu duy nhất phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong tâm thế của Chiến lược mới, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Theo VnMedia