Vừa qua, Hội nghị trực tuyến Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 đã diễn ra tại điểm cầu chính ở Hà Nội, kết nối với các điểm cầu trong nước và quốc tế. Các Sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee, Lazada và các đối tác cùng tham dự Hội nghị.
Việc lưu thông hàng hoá giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn
Theo số liệu thống kê của Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương từ báo cáo của các Sở Công Thương, lượng hàng nông – thủy sản vào vụ thu hoạch của các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên rất lớn, cụ thể một số địa phương như Đồng Nai có khả năng cung ứng lượng lớn thịt lợn (63.000 tấn), thịt gà (1.300 tấn), tuy nhiên cần bổ sung gạo tẻ, rau củ quả và dầu ăn; Long An: lượng dữ trữ hàng hoá lớn, có thể cung cấp cho thị trường các sản phẩm như: Gạo (2.200 tấn), rau củ và dầu ăn; Đắk Lắk có nhu cầu cung ứng và xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm như: cà phê (450.000 tấn), hồ tiêu (77.000 tấn), sầu riêng (50.000 tấn)…
Phát biểu tại Hội nghị, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: “Việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của cả nước đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị số 16 càng trở nên khó khăn bởi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng lao động trong các khâu thu hoạch, vận chuyển, chế biến và lưu thông nông sản… ; nhiều nhà máy chế biến, cơ sở bảo quản phải ngừng hoạt động; việc lưu thông hàng hoá giữa các địa phương, vùng miền gặp nhiều khó khăn; việc thu mua, giao thương trực tiếp không thể thực hiện được; nhiều cơ sở sản xuất, người dân không kịp và không đáp ứng được ngay quy cách tiêu chuẩn hàng hóa đối với người tiêu dùng, nhất là hàng xuất khẩu.”
Hội nghị trực tuyến Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên |
Đánh giá về tiềm năng của mặt hàng nông sản của khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc sàn Thương mại điện tử Shopee chia sẻ, Nam Bộ, Tây Nguyên được đánh giá là những khu vực có thế mạnh đặc biệt về sản phẩm cây công nghiệp và nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Điều, hồ tiêu, cà phê, thanh long, chôm chôm, sầu riêng, xoài, mít, bơ, … Các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa, tiềm năng xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Nam Bộ, Tây Nguyên vẫn còn lớn khi Việt Nam đang tiếp cận nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) …
Đưa các mặt hàng nông sản lên “Gian hàng Việt trực tuyến”
Mặc dù nông sản có nhiều tiềm năng, nhưng theo thông tin tại hội nghị, rào cản khó nhất là kiến thức, kỹ năng của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, nếu bán bằng phương pháp này, họ sẽ mất thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức sao cho hấp dẫn người mua. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Trung ương, các Sàn thương mại điện tử, chính quyền các địa phương cần trực tiếp, sát sao hơn nữa, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản.
Một trong những giải pháp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đó là tổ chức đưa các mặt hàng nông sản của Nam Bộ và Tây Nguyên lên “Gian hàng Việt trực tuyến” và lên các sàn thương mại điện tử mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang triển khai đồng thời thông qua các đơn vị chuyển phát có năng lực và độ phủ rộng như Viettel Post, VnPost là đối tác của chương trình sẽ tăng thêm cơ hội tiếp cận thị trường người tiêu dung rộng khắp 63 tỉnh, thành phố.
Đối với các sản phẩm nông sản của khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên khi được đưa vào tiêu thụ tại “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử, các hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhà cung cấp đều sẽ được đội ngũ chuyên gia của các sàn hướng dẫn kịp thời. Theo ông Trần Trung Kiên – Giám đốc sàn thương mại điện tử Vỏ Sò chia sẻ “Nông sản là sản phẩm rất đặc thù, mặt dù còn nhiều khó khăn nhưng Voso cũng đã kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ có thể đưa được các sản phẩm nông sản của khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên lên sàn thương mại điện tử.
Có thể thấy rằng, hiện nay phân phối hàng hóa trên sàn TMĐT là xu hướng phát triển chung trên toàn cầu, đặc biệt càng trở nên hữu ích trong tình hình dịch Covid vẫn đang diễn biến căng thẳng. Người tiêu dùng cũng đã quan tâm tới các kênh bán hàng online uy tín, có thói quen sử dụng khi mua sắm tại nhà, người bán cũng như người mua dễ tiếp cận và thay đổi phương thức bán hàng hiện đại. Do đó, đây sẽ là một kênh mới thiết thực và hiệu quả để tìm thêm “đầu ra” cho các sản phẩm nông sản chủ lực tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.
Kết luận tại Hội Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giao, Vụ thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với nhau và với hai ngành ở địa phương (ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước trên cả hai kênh truyền thống và hiện đại”; và kêu gọi các nhà phân phối, các tập đoàn kinh doanh thương mại, các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước, các sàn giao dịch điện tử, các kênh thương mại trên nền tảng số, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, các thương nhân hãy vào cuộc thật sự quyết liệt và sáng tạo để vừa giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm trong hoàn cảnh đặc biệt với tinh thần “một miếng khi đói bằng gói khi no” …
Theo VnMedia