Hoàn thiện khung pháp lý, gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp

Cơ hội giao thương - Nhiều quy định trong các luật hiện hành đang là rào cản trong sản xuất kinh doanh các vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y.

Tại hội thảo ”Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp” diễn ra vào sáng 27/3/2025 do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc cho biết, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là hai đạo luật có tác động sâu rộng, chi phối gần như toàn bộ điều kiện sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hoàn thiện khung pháp lý, gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp

Tại thời điểm này, hai dự thảo luật này đang được lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các hội và hiệp hội liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành nông nghiệp cùng các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững, cũng như bảo vệ quyền lợi người nông dân, người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

Theo quy định của hai luật này, các sản phẩm, hàng hóa thuộc Nhóm 2 (Sản phẩm, hàng hóa Nhóm 2 là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường) phải được công bố hợp quy. Ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, đây là một trong những bất cập lớn nhất của hai luật này đối với việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói chung; trong đó có việc quản lý chất lượng hàng hóa Nhóm 2.

Bất cập thứ nhất là quy định công bố hợp quy rất hình thức do việc đánh giá quá trình sản xuất, lấy mẫu để làm thủ tục công bố hợp quy hay đánh giá giám sát chỉ xảy ra ở thời điểm đánh giá. Nhưng sau lấy mẫu đánh giá đó, có rất nhiều lô sản phẩm khác được sản xuất ra theo nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc đánh giá, lấy mẫu để công bố hợp quy tại một thời điểm hoàn toàn là hình thức, không mang lại giá trị cho mục đích kiểm soát chất lượng sản phẩm phân bón.

Bất cập thứ hai là quy định công bố hợp quy đang tạo ra tốn kém với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như với sản xuất phân bón, ước tính chi phí hợp quy cho sản phẩm phân bón khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm sản xuất trong nước hoặc 1 lô hàng nhập khẩu, thì chi phí hợp quy cho toàn ngành phân bón sẽ vô cùng lớn (hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, trong đó, có những doanh nghiệp phải chi trả vài tỷ đồng/năm).

Như vậy, các chi phí hợp quy phân bón là một nguyên nhân làm tăng chi phí sản phẩm phân bón trong nước, giảm tính cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu và làm tăng giá thành sản xuất trồng trọt của người nông dân, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

Theo ông Ngọc, thông lệ quốc tế không có quốc gia nào xuất khẩu sang thị trường Việt Nam có công bố chứng nhận hợp quy và cũng không có nước nào yêu cầu chứng nhận hợp quy với các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu. Do vậy, việc bỏ quy định công bố hợp quy là cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trong đó Việt Nam vừa xuất khẩu hàng hoá sản phẩm, vừa nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và một số sản phẩm hàng hoá.

Dự kiến trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) và dự thảo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi). Đây được xem là cơ hội quan trọng để Việt Nam có một khung pháp lý hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.

Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam khoảng 10,5 – 11 triệu tấn các loại một năm. Hiện cả nước có 790 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ và hữu cơ, trong đó 261 cơ sở sản xuất vô cơ, 161 cơ sở hữu cơ, 308 cơ sở vừa vô cơ vừa hữu cơ, ước sản xuất được trên 20 triệu tấn các loại.

Theo VietQ.vn

https://vietq.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-go-kho-cho-doanh-nghiep-san-xuat-kinh-doanh-vat-tu-nong-nghiep-d231865.html

(Visited 7 times, 1 visits today)