Ngày 3/4/2025, ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức công bố áp dụng mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã chia sẻ về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết,Việt Nam đang xuất khẩu nông lâm thủy sản sang khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện, thị trường Mỹ đứng đầu với giá trị 13,8 tỷ USD, chiếm 21,7% thị phần, Trung Quốc đứng thứ hai với 13,6 tỷ USD, chiếm 21,6%. Cơ cấu này cho thấy, lợi thế của chúng ta nghiêng về thị trường Mỹ.
Để xuất khẩu được vào Mỹ, thời gian qua, các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rào cản, như thuế chống bán phá giá, hay các tiêu chuẩn về chất lượng… nhưng chúng ta đều vượt qua.

Thủy sản Việt Nam phải nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu
Với mức thuế 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, nông sản Việt Nam được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta phải tập trung cho chỉ đạo sản xuất, làm sao nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, nhưng lại có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác.
Thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục phải có ý kiến với phía Mỹ về mức thuế trên, bởi Mỹ và Việt Nam đang là đối tác chiến lược toàn diện.
Vừa rồi, Chính phủ đã họp hai phiên bàn thảo về vấn đề này, chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp. Đặc biệt là giải pháp về khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ. Mặt khác chúng ta cũng cần mở rộng thị trường khác, không để phụ thuộc vào một thị trường nào- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Ví dụ, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân, đứng thứ hai trong thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Việt Nam còn nhiều mặt hàng có thể xuất sang Trung Quốc, đặc biệt một số sản phẩm đã ký nghị định thư như sầu riêng đông lạnh, cá sấu, các sản phẩm trồng trọt, thủy sản…, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Hay thị trường châu Âu, cũng là thị trường lớn, chiếm tới 44%. Như vậy vừa phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ. Mặt khác phải mở rộng các thị trường tiềm năng và lợi thế đối với nông sản Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, mục tiêu tăng trưởng cho ngành nông nghiệp là 4% trong năm 2025. Hết quý I dự kiến đã đạt mức tăng 3,69%. Trong các quý, thường quý II tăng cao hơn quý I, quý IV tăng hơn quý III. Mục tiêu tăng trưởng chúng ta đặt ra trong quý I là 3,7%, chúng ta đã đạt được xấp xỉ.
Về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay là 64 – 65 tỷ USD, ngay hết quý I kết thúc chúng ta đã đạt 15,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng với ngành hàng thủy sản, Thứ trưởng cho hay, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 vào thị trường Mỹ đạt trên 300 triệu USD, còn lại là thị trường châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và các thị trường khác.
“Chúng ta phải mổ xẻ một cách cặn kẽ, để đảm bảo Mỹ vẫn công nhận tương đương với cá tra. Và với con tôm, hai năm gần đây Mỹ sang kiểm tra về an toàn thực phẩm thì chúng ta đã đảm bảo được. Đồng thời, các lô hàng xuất khẩu cần hạn chế tối thiểu nhất các vi phạm về kim loại nặng, vi sinh vật, kháng sinh để chúng ta duy trì được thị trường”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/hoa-ky-ap-thue-doi-ung-46—nong-san-viet-phai-nang-cao-chat-luong-mo-rong-thi-truong-d232060.html