Tiếp cận bình đẳng
Thương mại toàn cầu vẫn đang diễn biến khó lường do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đã khiến xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực tăng chậm lại.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để doanh nghiệp tiếp cận tới mọi thị trường và là con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới.
Chia sẻ về cơ hội xuất khẩu trực tuyến tại một hội thảo cuối năm trước, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cho biết, trước kia sản lượng xuất khẩu của công ty chỉ chiếm từ 5-7% tổng doanh thu; nhưng kể từ khi áp dụng xuất khẩu trực tuyến, sản lượng xuất khẩu năm 2019 đã tăng 13%, và năm 2020 đã xấp xỉ 20% sản lượng xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyến.
Có thể nói, thương mại điện tử đã hiện thực hóa nền thương mại không biên giới trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian và xã hội. Giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận với khách hàng nước ngoài một cách bình đẳng so với doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính hùng hậu.
Mặc dù lợi ích của xuất khẩu trực tuyến rất rõ ràng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng lên sàn thương mại điện tử thực hiện xuất khẩu, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam lại chỉ ra lý do cơ bản rằng trong số hơn 1.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động về xuất nhập khẩu nhưng mới có 49% doanh nghiệp có website về thương mại điện tử. Chỉ 11% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, và 2% doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động.
Nguyên nhân chính là doanh nghiệp có sản phẩm tốt nhưng không biết làm thương hiệu, chỉ làm gia công cho khách hàng theo kiểu bán trực tiếp cho thương lái hoặc tìm kiếm khách hàng tại các hội chợ triển lãm quốc tế, chưa quan tâm đến Thương mại điện tử hoặc chưa có kiến thức về thương mại điện tử quốc tế. Và như thế đã tước đi cơ hội bình đẳng với doanh nghiệp lớn về tiếp cận khách hàng xuyên biến giới.
Điểm nhất quán
Nhận ra điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động giúp các doanh nghiệp kết nối trực tuyến với đối tác nước ngoài.
Trong năm 2020, Bộ Công Thương đã tổ chức hơn 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, có hơn 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, khoảng 100.000 lượt doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến. Các mặt hàng tham gia giao thương khá đa dạng, từ sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đến đồ trang trí nội ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao…
Đồng thời, Cục Xúc tiến Thương mại đã phối hợp với hai nền tảng thương mại hàng đầu thế giới là Amazon và Alibaba triển khai các chương trình tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thiết lập các gian hàng thông qua mạng lưới bán lẻ của họ.
Với Amazon, 2 bên thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp từ cuối 2019 đến 2021 với các nội dung chính gồm: Chương trình Xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử; Nghiên cứu Phát triển Thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thương mại điện tử với Amazon; Chương trình Đào tạo về thương mại điện tử.
Với Alibaba, từ cuối năm 2020, hai bên triển khai chương trình gồm chuỗi sự kiện huấn luyện, đào tạo cho doanh nghiệp nhằm tư vấn trực tiếp và kết nối doanh nghiệp với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho chương trình. Hoạt động đã thu được các kết quả đáng khích lệ với hơn 1000 doanh nghiệp đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực thương mại điện tử và hơn 50 doanh nghiệp tiềm năng sẽ lên sàn thành công trong các ngành như nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến đóng gói”.
Năm 2020 hai bên đã tổ chức các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, là những thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp quan trọng và nhiều công ty xuất khẩu tiềm năng. Trong năm nay, các lớp đào tạo tiếp tục được tổ chức tại Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Dương, Sơn La, Quy Nhơn và Buôn Mê Thuột.
Bà Trần Thị Yến Phi – Người sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty TNHH DSW chia sẻ, sau khi tham dự lớp đào tạo, bà đã tham gia Alibaba.com chỉ với một tài khoản và giờ đã thành công. Đơn đặt hàng đầu tiên của bà trị giá 3.000 USD và sau một năm, doanh thu đã đạt 260.000 USD.
Ông Đỗ Tuấn Lương – Phó Giám đốc – HTX Dịch vụ Tổng hợp Kiên Thuận, người cũng tham gia lớp đào tạo, cho biết: “Trước khi tham gia Alibaba.com, 80% doanh thu của công ty tôi đến từ thị trường nội địa, phần còn lại đến từ xuất khẩu.
Ngoài việc hỗ trợ tiếp cận khách hàng toàn cầu một cách bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các chuyên gia nhận xét, cách làm của Bộ Công Thương hết sức nhất quán ở chỗ, vừa hỗ trợ trực tiếp, vừa xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Với hàng Việt, Bộ đứng ra tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, nhưng cũng phối hợp với nhiều hệ thống phân phối nước ngoài tại Việt Nam như Lotte, Big C, Aeon… đưa hàng Việt ra nước ngoài. Với xuất khẩu trực tuyến, Bộ cũng đứng ra tổ chức hội nghị kết nối trực tuyến với đối tác nước ngoài, và phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Amazon hay Alibaba để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Tạp chí Công Thương