Người dưới 18 tuổi không được vào vũ trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Trong đó, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke gồm: doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đó, phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80 m2 trở lên, không kể công trình phụ. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng vũ trường hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ). Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử – văn hóa từ 200 m trở lên.
Ngoài trách nhiệm quy định nêu trên, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ vũ trường không được hoạt động từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng; không cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi; trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải thực hiện theo quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.
Sử dụng xe công sai mục đích có thể bị phạt tới 20 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước trong đó nêu rõ mức xử lý đối với trường hợp sử dụng xe công sai mục đích. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Theo Nghị định này, mức phạt hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, trường hợp sử dụng xe công vào mục đích cá nhân, phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt… sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Mức phạt này cũng được áp dụng với trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích.
Cùng với đó, hành vi trao đổi tài sản công mà không được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng. Trường hợp dùng tài sản công làm quà tặng, mức phạt lên tới 50 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các mức phạt đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Cụ thể, phạt 1-5 triệu đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng; 5-10 triệu đồng nếu sử dụng tài sản từ 100 triệu đồng trở lên và 15-20 triệu đồng trường hợp dùng tài sản là trụ sở làm việc, ôtô…
Phạt tiền đến 10 triệu đồng nếu tổ chức vi phạm quy định về xác định giá trị tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; trong khi cá nhân mắc lỗi này bị phạt 5 triệu đồng.
Thù lao giáo viên dạy nghề sơ cấp tối đa 02 triệu đồng/người/buổi
Đây là nội dung được sửa đổi tại Thông tư 40/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28/6/2019. Theo đó, mức thù lao cho giáo viên dạy nghề sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được quy định như sau:
– Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại các cơ sở đào tạo của Nhà nước áp dụng mức tiền lương, phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện nay.
– Người dạy không phải giáo viên cơ hữu thì được trả thù lao tối đa không quá 02 triệu đồng/người/buổi.
– Giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý đạo tạo thường xuyên xuống thôn, bản, phum, sóc có điều kiện đặc biệt khó khăn từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp lưu động là 298.000 đồng…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2019.
Nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Theo đó, để thực hiện việc tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng trong năm 2019 cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí được xác định theo quy định tại Thông tư là nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có); Tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện đến mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng);
Ngoài ra, với số thu từ dịch vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng… của cơ sở y tế công lập thì sử dụng tối thiểu 35%; Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/9/2019.
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng được miễn lệ phí
Ngày 05/08/2019, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 20/9/2019.
Theo đó, lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) là 50.000 đồng/lần.
Doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp; Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu.
Ngoài ra, doanh nghiệp bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; Doanh nghiệp đăng ký giải thể, tạm ngừng kinh doanh; chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Theo VnMedia
(Visited 18 times, 1 visits today)