Chính thức tăng lương tối thiểu vùng
Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và có hiệu lực từ 1/1/2019.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp ở vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000 – 200.000 đồng/tháng.
Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động
Ngày 17/10/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất một lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ. Thời gian tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động quyết định.
Thời kỳ tự kiểm tra: từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.
Các nội dung tự kiểm tra pháp luật lao động bao gồm: Việc thực hiện báo cáo định kỳ; Việc tuyển dụng và đào tạo lao động; Việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; Việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; Việc trả lương cho người lao động; Việc tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019.
Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT
Nghị định 149/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018, của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc có hiệu lực từ 1/1/2019.
Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (người sử dụng lao động).
Trong đó, nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thương binh, bệnh binh được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/ngày lễ, tết
Đây là nội dung được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư 101/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Cụ thể, vào những ngày lễ tết, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên sẽ được hỗ trợ ăn thêm 200.000 đồng/người/ngày.
Đáng chú ý, thân nhân liệt sĩ (không quá 03 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ mỗi năm một lần. Mức hỗ trợ tối đa không quá 2,4 triệu đồng/người.
Mỗi dây chuyền kiểm định xe cơ giới có ít nhất 3 đăng kiểm viên
Từ ngày 1/1/2019, quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ được áp dụng theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị định này, mỗi dây chuyền kiểm định trong đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Đồng thời, trong đơn vị cũng cần phải có phụ trách dây chuyền kiểm định; mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa 2 dây chuyền.
Nghị định này cũng yêu cầu đơn vị đăng kiểm niêm yết công khai tại phòng chờ, xưởng kiểm định các nội dung về quy trình, nội dung kiểm định; biểu mức thu giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định và số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trêu ghẹo, xúc phạm nhân viên hàng không bị phạt đến 5 triệu đồng
Theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng vừa được Chính phủ ban hành, hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Mức phạt trên cũng áp dụng đối với một trong các hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay; thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau tại cảng hàng không, sân bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không tổ chức kiểm tra an ninh tàu bay trước chuyến bay theo quy định; thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay; có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/1/2019.
Theo VnMedia
(Visited 26 times, 1 visits today)