Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại

Cơ hội giao thương - Thống kê cho thấy, trong năm 2019, nhiều vụ việc đã đạt được những kết quả khả quan, hàng hóa Việt Nam không bị áp thuế hoặc áp thuế ở mức thấp, giúp doanh nghiệp an tâm tiếp tục xuất khẩu.

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11 năm 2019, đã có 158 vụ việc phòng vệ thương mại (gồm 88 vụ việc về chống bán phá giá, 32 vụ việc tự vệ, 18 vụ việc chống trợ cấp và 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế) do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (31 vụ việc), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ việc), Ấn Độ (21 vụ việc) và EU (14 vụ việc).

Trong đó, số vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 là 15 vụ, gồm 10 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống trợ cấp. Về đối tượng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, có tới 9/15 vụ là sản phẩm thép (chiếm 60%).

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động, trong đó chú ý cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cũng như cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời để các doanh nghiệp, ngành sản xuất có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp. Đồng thời, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể thấy, nhờ có những nỗ lực này, Việt Nam đã thu được kết quả khả quan trong nhiều vụ việc phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu. Vụ việc tự vệ gạo, tự vệ gạch ốp lát không bị áp dụng biện pháp. Các vụ việc rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra, tôm đạt mức thuế thấp, một số vụ việc chống trợ cấp đạt mức thuế thấp/không bị áp thuế.

Đặc biệt, vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cán nguội, thép chống ăn mòn phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu được tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu để không bị áp thuế.

Cục Phòng vệ thương mại thông tin thêm, mặc dù số lượng vụ việc mới khởi xướng điều tra trong năm 2019 thấp hơn so với năm 2018 tuy nhiên các vụ việc lại cho thấy xu hướng đáng lưu ý:

Các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ, có xu hướng mở rộng phạm vi các biện pháp có tính chất bảo hộ;

Sản phẩm đang bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá vẫn bị khởi xướng điều tra lại chống bán phá giá và điều tra thêm chống trợ cấp;

Các nước đối tác FTA chiếm tỷ lệ lớn trong số các vụ việc khởi xướng mới do nhiều mặt hàng trong đó có sắt thép sẽ có mức thuế về 0% khi thực hiện xóa bỏ thuế quan theo các FTA.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 10 times, 1 visits today)