Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để lập lại trật tự trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, quản lý đô thị…Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn vẫn diễn ra phổ biến và có số lượng lớn các vi phạm chưa được xử lý.
Các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn thường xuyên tái diễn như: Đổ thải không đúng quy định, vận chuyển chất thải không che chắn để rơi vãi ra đường giao thông, vứt rác thải nơi công cộng, vệ sinh không đúng nơi quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn, không tiến hành thu gom chất thải nguy hại theo quy định…
Đơn cử theo ghi nhận tại một số tuyến đường như Nguyên Hồng (quận Đống Đa); Trần Bình, Nguyễn Hoàng (quận Cầu Giấy); Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm)…, rác vẫn đổ tràn ra đường mất trật tự mỹ quan đô thị, không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây bức xúc cho người dân. Tình trạng rác thải rắn bị đổ trộm, vứt bừa bãi vẫn xuất hiện nhiều quanh các tuyến đường vành đai, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Mặc dù đã được phản ánh nhiều lần nhưng nhiều khu vực ven các tuyến đường vành đai ở Hà Nội vẫn ngổn ngang rác thải rắn, vật liệu xây dựng. Tại khu vực đường Vành đai 2 (gần nút giao Bưởi), một bãi rác tự phát kéo dài hơn chục mét án ngữ ngay sát ta-luy đường. Những loại rác này chủ yếu là những bao tải chứa đầy gạch, vữa, vật liệu xây dựng bỏ đi.
Đại diện UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) cho biết, phường đã tổ chức nhiều đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại khu vực này. Tuy nhiên những nỗ lực dọn dẹp cũng vô ích vì chỉ sau thời gian ngắn, tình trạng đổ trộm rác thải lại tiếp tục tái diễn.
Không chỉ tại khu vực đường Vành đai 2, tình trạng đổ trộm vật liệu xây dựng, rác thải rắn cũng xuất hiện ven dải phân cách đường Vành đai 3 (đoạn Nguyễn Xiển). Để giảm tình trạng này, UBND phường Hạ Đình đã đặt những biển báo kích thước lớn, ghi rõ mức xử phạt đối với các hành vi đổ rác sai quy định.
Tình trạng đổ trộm rác thải không chỉ diễn ra ở các tuyến vành đai đã được đưa vào sử dụng mà còn xảy ra ở những dự án đang chuẩn bị thi công. Dự án đường Vành đai 2,5 chưa thành hình cũng đã trở thành nơi tập kết rác thải, nhiều nhất là rác thải rắn, vật liệu xây dựng.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cho chính quyền thành phố phải giải quyết bài toán tăng trưởng phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy để tăng tính răn đe, UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình về việc đề nghị ban hành nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Theo đó, từ Điều 9 đến Điều 35 và từ Điều 37 đến Điều 55 tại Nghị định số 45 do Chính phủ ban hành ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thành phố Hà Nội đề xuất áp dụng mức tiền phạt gấp 2 lần.
Cụ thể, tại Điều 25 Nghị định số 45 quy định phạt tiền từ 150.000 – 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường… hoặc đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố…
Như vậy, với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, theo đề xuất của thành phố Hà Nội thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 300.000 – 500.000 đồng. Đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường sẽ bị phạt từ 2 – 4 triệu đồng.
Hà Nội cũng đề xuất tăng gấp 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về tiếng ồn; vi phạm các quy định về độ rung; vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề… Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm trong tờ trình thì mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Đây là một trong những biện pháp để góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân thủ đô; là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, một trong những yêu cầu đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Theo Thông tư số: 35/2024/TT-BTNMT yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông theo quy định; Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, chất thải, cháy nổ và các sự cố khác theo quy định; Khuyến khích đầu tư, đổi mới các mô hình, công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Chấp hành đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường khác theo quy định.
Yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cần đảm bảo tiếp nhận, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo đúng chủng loại, lịch trình được phân công; Đảm bảo thu gom toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại vị trí thu gom theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; Không tiếp nhận, vận chuyển chất thải vượt quá tải trọng hoặc thể tích chứa của phương tiện. Che phủ kín đối với phương tiện trong trường hợp không có nắp đậy khi di chuyển; Kịp thời khắc phục sự cố trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại và thông báo cho người có thẩm quyền theo quy định.
Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với cơ sở tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt cần bố trí khu vực tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt có đủ diện tích cho phương tiện dừng chờ đổ chất thải và phù hợp với khả năng tiếp nhận, công suất xử lý của cơ sở; hạn chế tối đa phát tán ô nhiễm, mùi và xâm nhập của côn trùng; Chuyển giao chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế sau phân loại cho tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc tự xử lý theo quy định.
Vận hành cơ sở tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt không vượt quá công suất thiết kế; bảo đảm xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận theo hợp đồng đã ký kết; Chất thải phát sinh phải được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc chuyển giao xử lý theo quy định.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/ha-noi-de-xuat-tang-gap-2-lan-tien-phat-nguoi-vut-rac-bua-bai-d232792.html