Năm 2021 được dự báo vẫn là năm đầy khó khăn với nền kinh tế thế giới bởi dịch Covid-19. Nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội mới này, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động kịp thời nhằm khuyến khích doanh nghiệp không ngại khó khởi nghiệp trong năm 2021 với những cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP ban hành ngày 04/01/2021 và Nghị quyết 02/NQ-CP ban hành ngày 01/01/2021.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 18.129 doanh nghiệp, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm 15.864 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 0 – 10 tỷ đồng, tăng 1,3%; 1.092 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 10 – 20 tỷ đồng, tăng 24,9%; 565 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 20 – 50 tỷ đồng, tăng 16,7%; 287 doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 50 – 100 tỷ đồng, tăng 36,7%; 321 doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, tăng 52,9%. Sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được cải thiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất trong cả nước. Hai tháng đầu năm 2021, Hà Nội có 3.664 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 40 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% về số doanh nghiệp nhưng giảm 41,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh có 5.022 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,2%, tuy nhiên số vốn đăng ký đạt 153,4 nghìn tỷ đồng, tăng 91,2%.
Cùng với cả nước, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ… Đồng thời chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước sang Việt Nam do dịch Covid-19.
Tổng cục Thống kê cho biết, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đồng thời để định hình chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp sẽ phải thích ứng và xoay chuyển nhằm hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng và phát triển bền vững hơn.
Theo VnMedia