Tại “Hội thảo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), sáng ngày 8/8/2024 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, hiện nay, các cơ quan, dư luận đang rất quan tâm tới đề xuất tăng thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cao theo hai phương án mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với mặt hàng rượu, bia; và việc mở rộng việc áp thuế với mặt hàng nước giải khát có đường.
Các đề xuất này sẽ có tác động lớn, không chỉ trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất kinh doanh rượu, bia, nước giải khát mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội,…
Ông Nguyễn Văn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA): đề xuất tăng thuế cao cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu Thuế TTĐB cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện
Ông Nguyễn Văn Việt thông tin, theo số liệu được Oxford Economic đưa ra, ngành bia đóng góp 555 tỉ USD vào GDP toàn cầu, tạo ra 23 triệu công ăn việc làm và đóng góp 66 tỉ đô la tiền thuế cho các chính phủ trên toàn thế giới trong năm 2019; mặc dù ngành bia chỉ chiếm khoảng 3% lao động, nhưng đang tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán, cứ 1 công việc trực tiếp tại nhà máy tạo ra khoảng trên 50 công việc gián tiếp trong chuỗi cung ứng phụ trợ.
Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, những đề xuất tăng thuế cao cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu Thuế TTĐB cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học…, để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích thì bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều rủi ro, bất định và đều tác động khá mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng.
Trong bối cảnh khó khăn này, ngành đồ uống gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 giảm 10-12% so với năm trước).
Với tác động của luật thuế TTĐB sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung- dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế TNDN- ông Cấn Văn Lực phân tích; đồng thời cho rằng, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế TTĐB đề ra.
Nên xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm; không tăng thuế quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi- bà Nguyễn Thị Cúc cho hay.
Với việc “Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, chuyên gia dinh dưỡng PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng- chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính. Các thực phẩm có chứa đường và đồ ngọt nói chung chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể.
PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm khuyến nghị, thay vì áp Thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, để giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là ở trẻ em, chúng ta cần tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì. Sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm, kiểm soát chế độ ăn không dư thừa. Tăng cường các hoạt động thể chất…
Theo các chuyên gia, với đề xuất của Bộ Tài chính: tăng thuế Thuế TTĐB cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế Thuế TTĐB, Báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách mà chưa có các đánh giá định lượng mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể tới giảm sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp là bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuỗi cung ứng, dịch vụ ra sao…
Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam cho rằng, đối với hai phương án lấy ý kiến lần này cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Riêng đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm. Do vậy, nên xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế Thuế TTĐB trong giai đoạn này. Cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này- Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam kiến nghị.
Theo VietQ.vn